Tăng acid uric máu là tình trạng nồng độ acid uric trong máu gia tăng trên 6.0 mg/dL (đối với nữ) và 7.0 mg/dL (đối với nam).
Acid uric là kết quả từ quá trình cơ thể chuyển hóa purin – một hợp chất hữu cơ phổ biến chứa trong thực phẩm. Nồng độ acid uric tăng là vấn đề sức khỏe đáng báo động, có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương, khớp và hệ tim mạch.
Nguyên nhân gây tăng acid uric
Tăng acid uric trong máu có thể xảy ra do cơ thể sản xuất acid uric quá mức hoặc do thận lọc và đào thải chất này kém hiệu quả. Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng acid uric trong máu, cụ thể:
- Rối loạn chuyển hóa enzym dẫn đến suy giảm khả năng đào thải acid uric qua đường tiểu.
- Chế độ ăn mất cân bằng, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn, thực phẩm giàu chất đạm như thịt đỏ, hải sản,…
- Gout và các đợt gout cấp .
- Chức năng thận suy giảm làm mất dần khả năng loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể.
Ai có nguy cơ bị tăng acid uric máu?
Mọi đối tượng đều có thể bị acid uric trong máu cao. Trong đó, nguy cơ này có thể gia tăng ở các đối tượng sau đây:
- Lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn
- Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu purin
- Hoạt động thể chất quá mức trong thời gian dài
- Trong gia đình có thành viên bị uric acid máu tăng hoặc mắc bệnh gout
- Mắc các bệnh lý như bệnh thận, tăng huyết áp, suy giáp, tiểu đường….
- Thừa cân, béo phì
- Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh về tim mạch.
Triệu chứng cảnh báo acid uric cao
Khi nồng độ acid uric trong máu cao tùy vào mức độ nghiêm trọng và thời gian phát bệnh, có thể bộc phát một hoặc nhiều triệu chứng sau:
– Cảm giác khó chịu ở khớp: Có thể cảm thấy sưng đỏ, nóng rát các ổ khớp khi có vật gì đó chạm vào khớp, hoặc đau đớn và gặp khó khăn khi khớp chuyển động.
– Đau không rõ nguyên nhân: Ngoài đau khớp, nồng độ acid uric tăng cao có thể gây đau hông, đau lưng dưới, đau bụng dưới hoặc đau háng.
– Tiểu tiện bất thường: Bao gồm các dấu hiệu như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục hoặc/và có mùi hôi bất thường.
– Da biến sắc: Da bóng dầu hơn bình thường, có màu ửng đỏ hoặc tím tái bất thường.
– Viêm khớp: Là tình trạng acid uric kết tủa thành các tinh thể sodium urat, bám xung quanh ổ khớp, kích thích hệ miễn dịch “tấn công” màng hoạt dịch, gây viêm khớp, hình thành nên bệnh gout. Trong giai đoạn đầu, tình trạng viêm khớp thường chỉ xảy ra ở một khớp (thường là khớp ngón chân cái). Khi trở nặng, bệnh có thể gây viêm nhiều khớp khác nhau trên cơ thể.
– Bệnh sỏi thận: Sự tích tụ acid uric quá mức trong máu có thể làm tăng nồng độ urat (muối của axit uric) trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ kết tủa urat, gây nên bệnh sỏi thận urat.
Ngoài ra, khi tăng acid uric trong máu người bệnh có thể có các triệu chứng như: buồn nôn, nôn mửa, sốt và ớn lạnh.
Lưu ý: Khi bị tăng acid uric máu, không phải tất cả mọi người đều bộc lộ những triệu chứng giống nhau. Nhìn chung, hầu hết những người có nồng độ acid uric cao đều không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tiến triển thành bệnh gout (gây viêm khớp cấp tính) hoặc sỏi thận (gây tắc nghẽn đường tiểu).
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng tránh tình trạng tăng acid uric cần xây dựng thực đơn ăn uống theo nguyên tắc hạn chế thực phẩm gây hại (thực phẩm giàu purin, nhiều đường fructose, tinh bột hấp thụ nhanh, bia, rượu….); tăng cường bổ sung thực phẩm có lợi (thực phẩm giàu chất xơ, giàu vitamin C….) và uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Tránh béo phì, duy cần cân nặng khỏe mạnh mỗi người cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với việc rèn luyện thể chất đều đặn (từ 30 phút/ngày, 3 lần/tuần). Bởi nguy cơ tăng acid uric máu ở người thừa cân – béo phì cao gấp 2,1 lần so với người có cân nặng khỏe mạnh. Do đó, việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế béo phì là yếu tố quan trọng giúp bạn phòng tránh nguy cơ tăng acid uric trong máu.
Ngoài ra, cần kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan nhất là tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, suy giáp…. từ đó, phòng tránh được nguy cơ tăng axit uric máu.
Cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần là cơ hội để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng acid uric máu, từ đó kiểm soát bệnh hiệu quả.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ai-co-nguy-co-bi-tang-acid-uric-mau-172241017213748334.htm