Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 143.000ha và mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh gần 30.000ha, Bạc Liêu trở thành tỉnh có diện tích nằm trong tốp đầu của cả nước về nuôi tôm. Song, thế mạnh này vẫn chưa được khai thác tốt, nhất là phát huy các ngành công nghiệp “ăn theo” con tôm.
Đông Hải là địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến thức ăn công nghiệp. Ảnh: K.T
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (chiếm 60% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, gần 28% trong cơ cấu của tỉnh). Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm trên 97% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.
Thế nhưng, Bạc Liêu lại chưa phát triển mạnh được nghề chế biến thức ăn công nghiệp phục vụ cho con tôm và gần như tất cả đều phải nhập hàng từ các công ty chế biến thức ăn ở nước ngoài. Trong khi đó, thức ăn chiếm đến 60% trong tổng chi chí đầu tư cho con tôm.
Trên thực tế, Bạc Liêu đã hội đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp chế biến thức ăn, thậm chí không chỉ cho con tôm mà còn cho các loại thủy sản, gia súc và gia cầm, vì phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản tạo ra rất nhiều như: cá phân khai thác từ biển, tấm, cám, bắp… Vì vậy, đây là vấn đề cần được quan tâm khi Bạc Liêu đang nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công nghiệp chế biến thức ăn và các ngành công nghiệp phụ trợ khác phải đi trước một bước. Nếu không, ngành tôm sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty thức ăn nước ngoài và lợi nhuận của nông dân sẽ bị giảm đi – đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy nông dân trúng tôm mà vẫn lỗ khi chi phí đầu tư cho con tôm đã bị thức ăn “ngốn hết”!
KIM TRUNG
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/kinh-te/uu-tien-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-thuc-an-cho-con-tom-96523.html