Dự lễ Khai mạc có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và hơn 100 cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Trần Thị Minh Nga cho biết, trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước thời gian qua thì đổi mới chủ trương, chính sách pháp luật về tôn giáo đã làm thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận với tôn giáo, tạo sự gần gũi, đối thoại trong quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức tôn giáo; đáp ứng cơ bản hoạt động và nhu cầu tôn giáo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo; giúp các tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố gây ảnh hưởng tới ổn định chính trị, xã hội, một số hoạt động tôn giáo mới phát sinh có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực cực đoan, thù địch để chống phá Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Chủ trương chính sách đúng nhưng biện pháp đảm bảo và kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa tốt, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính khả thi, thống nhất và hiệu quả của chủ trương, chính sách. Bình đẳng giữa các tôn giáo chưa giải quyết tốt, cùng một chính sách, nhưng trong quản lý có tôn giáo vẫn bị “soi xét” nhiều hơn, có tôn giáo “cởi mở” hơn gây ra phản ứng từ phía các tổ chức tôn giáo. Trong xử lý thiếu linh hoạt, áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, các cơ quan chức năng chưa phối hợp tốt trong công tác quản lý, công tác tranh thủ, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo. Một trong những biện pháp hữu hiệu để giữ vững ổn định tình hình tôn giáo, hạn chế, ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo đó là chúng ta thực hiện đúng và hiệu quả chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
“Trước tình hình đó, đòi hỏi cán bộ làm công tác tôn giáo nói chung, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng cần phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp quản lý, khả năng tập hợp vận động quần chúng và phải có kiến thức chuyên sâu về tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần chủ động, sáng tạo trong công tác và nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh.
Lớp tập huấn diễn ra trong 4 ngày (từ 21 đến 24/10). Tham dự tập huấn, các học viên được tiếp thu các chuyên đề: Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 95 và những điểm mới của Luật Đất đai liên quan đến Tín ngưỡng, tôn giáo; kỹ năng, nghiệp vụ công tác đối với Công giáo, Phật giáo, đạo Tin Lành, hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ ở khu vực miền núi; nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo vùng Dân tộc thiểu số và công tác đảm bảo an ninh trong tôn giáo vùng dân tộc miền núi; chương trình thực tế một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo khu vực Tây Nguyên có thêm những thông tin thiết thực về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và những vấn đề cần quan tâm đặt ra trong thời gian tới. Từ đó, góp phần đưa công tác tín ngưỡng, tôn giáo đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời góp phần củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo ổn định chính trị, ngăn chặn âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực cực đoan, thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân và công cuộc đổi mới của đất nước.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ban-ton-giao-chinh-phu-boi-duong-nghiep-vu-cong-tac-tin-nguong-ton-giao-khu-vuc-tay-nguyen-10292762.html