Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi đời sống người dân xã Tân Thanh (Giồng Trôm) trong chuyến về làm việc tại tỉnh Bến Tre năm 2016. Ảnh: M. Phương
Đong đầy tình thương, lòng nhân ái
Chia sẻ cảm nhận về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Phạm Thị Thùy Trang – Giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trợ lý Thanh niên Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành) cho biết: “Dù chưa được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng tôi cảm nhận ở bác sự giản dị, đơn sơ và ấm áp. Tất cả người dân đều dành tình cảm đặc biệt cho đồng chí Tổng Bí thư. Bởi lẽ, Tổng Bí thư là tấm gương sáng về cách sống, làm việc vì dân, vì nước. Trong mỗi người dân nói chung và bản thân tôi nói riêng sẽ luôn dành sự kính trọng tuyệt đối cho bác. Sự ra đi của Tổng Bí thư là tổn thất to lớn của Đảng và đất nước, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong các tầng lớp nhân dân”.
Dù Tổng Bí thư đã ra đi nhưng những lời nhắn nhủ, căn dặn của bác vẫn sẽ còn nguyên giá trị cho đời sau, giúp cho thế hệ tiếp nối tự soi lại mình về cách sống, cách làm việc và cống hiến. Là nhà giáo, bản thân cô Thùy Trang tâm đắc điều Tổng Bí thư răn dạy: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Theo cô Thùy Trang, lời răn dạy của Tổng Bí thư để lại cho cô nhiều suy nghĩ nhất. Bởi trong câu nói ấy, Tổng Bí thư muốn sống hạnh phúc không chỉ đơn thuần là hạnh phúc về vật chất mà còn muốn chúng ta biết hạnh phúc cả về mặt tâm hồn – nơi đó có tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng mà có mấy ai biết tận dụng để có được hạnh phúc. “Bản thân tôi nhận thấy rằng mình cần biết yêu thương, nhân ái và công bằng hơn trong giáo dục. Bởi, nghề giáo là nghề cao quý nhất. Vậy nên, mỗi giáo viên cần sống và làm việc sao cho xứng đáng với chữ cao quý ấy. Hạnh phúc theo Tổng Bí thư nhắc nhở rất đơn giản. Vì thế, tôi cũng sẽ tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân qua công việc của mình, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, đổi mới sáng tạo để bắt kịp với thời đại. Trong nghiệp vụ sư phạm, luôn lấy học sinh làm nhân tố quyết định để bản thân rèn luyện tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng để tạo ra môi trường giáo dục tích cực và nhân văn”, cô Thùy Trang chia sẻ.
Noi gương “sống cống hiến”
Cũng như phần lớn người dân trong tỉnh, bạn Nguyễn Thanh Dư – Điều dưỡng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chưa một lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù chỉ biết Bác Trọng qua những bài báo, những short phim ngắn trên tivi nhưng Thanh Dư có tình cảm đặc biệt đối với vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Bác Trọng đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp phát triển đất nước đến hơi thở cuối cùng. Đã cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nỗ lực đưa đất nước đi lên và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày hôm nay. Bác Trọng đã trút hơi thở cuối cùng, để lại trong lòng tôi cũng như toàn dân Việt Nam và bạn bè quốc tế biết bao niềm tiếc thương. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam đã mất đi một vị lãnh đạo, người đứng đầu của Đảng với lý tưởng sống cao đẹp, cuộc sống giản dị, gần gũi, liêm khiết và mẫu mực”, Thanh Dư xúc động.
Nhớ lời Bác Trọng nhắn nhủ: “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống và danh dự, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Thanh Dư cho rằng, đây là bài học quý giá, là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời làm nghề. Theo Thanh Dư, lý tưởng của Bác Trọng đã soi sáng mọi bước đường. Nhất là khi công tác trong ngành y tế, chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, chứng kiến biết bao nhiêu khoảnh khắc đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết. Bản thân Thanh Dư trân trọng hơn sức khỏe, sự sống của từng người bệnh.
“Bác Trọng ra đi nhưng những cống hiến, những hành động, những lời dạy vẫn còn mãi khắc ghi trong lòng bao người dân Việt Nam. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sẽ viết tiếp những hoài bão còn đang dang dở của Bác Trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tôi hứa sẽ làm tốt nhất công tác chuyên môn của mình để mang lại cho người bệnh một sức khỏe tốt, một tinh thần thoải mái và có thể an tâm tin tưởng vào công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và của toàn ngành y tế nói chung”, Thanh Dư quyết tâm.
Nhiệt huyết phấn đấu trong công việc
Đối với anh Phạm Văn Minh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May mặc Alliance One (Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành) cũng như cán bộ, CNLĐ tại công ty khi nghe tin Bác Trọng mất mọi người rất xúc động và thương tiếc. Vì Bác Trọng là một người rất thương dân, lo cho dân, luôn đi đầu trong các chính sách của Đảng, Nhà nước và rất gần với dân. Theo chia sẻ của anh Văn Minh, “Bác Trọng là một tấm gương sáng để cho tôi và CNLĐ học tập theo. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng học tập tốt, rèn luyện kỹ năng, tay nghề để nâng cao năng suất, đạt hiệu quả trong quá trình sản xuất, đóng góp phần nhỏ cho đất nước phát triển lớn mạnh hơn và sánh vai với các nước bạn”.
Những câu nói, lời dạy của Bác Trọng như “lời vàng ý ngọc”. Từng câu, từng từ đều đáng mỗi người suy ngẫm. Trong các câu nói, bản thân anh Phạm Văn Minh tâm đắc nhất câu nói: “Với nhiệt huyết tràn đầy, với nghị lực và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tuổi trẻ Việt Nam hãy ra sức học tập, lao động, rèn luyện để ngày càng tiến bộ, có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Qua lời dạy của Bác Trọng cùng niềm tiếc thương vô hạn với người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Minh hứa với lòng ra sức phấn đấu trong công việc và trở thành người giúp ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phan Hân
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/nho-ve-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-doan-ket-phan-dau-no-luc-tu-duong-dao-duc-cach-mang-a133047.html