An Nhơn đô thị trên vùng đất lúa
“Đất An Nhơn quê hương của lúa/Lúa trải dài trên những cánh đồng…”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết như vậy trong ca khúc “Hát về Nghĩa Bình”. An Nhơn nay đã khác, cây lúa bây giờ không còn là thế mạnh của địa phương, mà thay vào đó là hàng loạt khu đô thị trẻ đã từng ngày hiển hiện khắp nơi.
Trung tâm TX An Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: D.N |
Vùng đất trĩu nặng phù sa
Từ thượng nguồn chảy xuống, qua khỏi phố cổ An Thái thì sông Côn chia hai dòng, dòng phía Nam chảy non cây số lại rẽ tiếp hai nhánh, hình thành ba nhánh chính: Bắc phái, Trung phái và Nam phái, đến Phụ Quang dòng Nam phái hợp lưu với nguồn An Tượng. Cả ba nhánh sông chính lần lượt phân chi uốn lượn chảy qua làng quê, phố thị, ôm gọn địa cuộc sơn kỳ thủy tú An Nhơn từ đầu đến cuối thị xã và đổ về Đông Nam Phù Cát, Đông Bắc Tuy Phước, mang vị ngọt tan vào biển cả.
Kinh đô Đồ Bàn của Vương quốc Champa, đến kinh thành Hoàng Đế của Vương triều Tây Sơn, thành chồng lên thành, mặt nhìn vào hướng Nam có dòng sông Thạch Yển (nhánh Bắc phái sông Côn). Vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc cho đào thêm nhánh sông La Vỹ để bảo vệ mặt Tây Bắc thành.
Đến triều nhà Nguyễn thì thành Hoàng Đế không còn vai trò kinh đô, mà gọi là thành Bình Định và cho dời vào phía Nam làm Tỉnh lỵ Bình Định, có lúc là tỉnh Bình Phú; trước mặt là sông Tân An, sau lưng là sông Gò Chàm. Đền đài, thành quách, tháp xưa tuy có di tích không còn nhưng vẫn lưu dấu một thời quá vãng ngàn năm trên xứ sở An – Bình.
Lưu dân từ các tỉnh phía Bắc theo chúa Nguyễn vào Nam sinh cơ lập nghiệp, rồi người Hoa thời kỳ bài Thanh phục Minh đã chọn nơi này là “đất lành chim đậu” lập làng nghề, phố thị dọc hai bên bờ các nhánh sông như An Thái, Đập Đá, Gò Găng, Cảnh Hàng… Phố cổ An Thái thời hưng thịnh, Hoa kiều rất đông, như một Hội An thu nhỏ. Đoạn sông An Thái rất sâu, rộng cả nửa cây số, bến An Thái gần di tích cấp quốc gia Bến Trường Trầu, một thời anh Hai Trầu – Nguyễn Nhạc đi buôn trầu thường neo đậu, đò ngang, đò dọc tấp nập, nhộn nhịp như thương cảng giữa đồng bằng.
Những thị tứ, làng nghề truyền thống và phố thị có từ rất sớm, là điểm nhấn định vị trong quá trình đô thị hóa của An Nhơn, với lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang”.
Thiên nhiên đã ban tặng cho An Nhơn dòng nước ngọt ngào, đắp bồi mạch nguồn nhân văn và thẳm sâu trầm tích văn hóa. Đất đai thành bờ xôi ruộng mật, mùa màng tươi tốt, quanh năm gieo trồng, bốn mùa thu hoạch, là vựa lúa của tỉnh Bình Định, không chỉ trang trải nhu cầu trong địa phương, mà còn đóng góp cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và tham gia thị trường trong, ngoài nước.
Một thời cũng vài ba thế kỷ, hàng nghìn hecta đất lắng bồi phù sa ven các nhánh sông Côn đã là những bãi dâu, bãi bông bạt ngàn xanh ngát, để nơi này trở thành xứ sở của canh cửi tằm tơ, lụa là, vải sợi. Mặt hàng lụa, lương, bùng, lãnh, nhiễu của các xưởng dệt ở Nhơn Nghĩa, An Thái, Đập Đá từng tham gia đấu xảo ở Sài Gòn, Hà Nội, Paris và còn có mặt trên con đường tơ lụa vươn ra nhiều nước.
Khu đô thị mới Hưng Định nằm trên địa bàn phường Bình Định (TX An Nhơn) có kiến trúc hiện đại. Ảnh: N.H |
Vóc dáng thành phố trẻ
Từ mạch nguồn lịch sử, An Nhơn đã có những bứt phá khởi sắc trong hành trình phát triển vươn đến tương lai. Từ một địa phương được mệnh danh là “quê hương của lúa”, An Nhơn đã “lột xác” từng ngày để vươn lên trong hành trình đô thị hóa. Đó là thời khắc vào đầu năm mới 2012, An Nhơn đã long trọng tổ chức công bố thành lập thị xã theo Nghị quyết số 101/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Và đến nay, sau 12 năm nỗ lực vượt bậc, vóc dáng thành phố trẻ An Nhơn đã dần hiện hình.
Bí thư Thị ủy An Nhơn Mai Việt Trung cho biết quãng thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng những thành quả mà thị xã đã gặt hái được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15.7.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về lãnh đạo xây dựng An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 là hết sức ấn tượng.
“Trong giai đoạn 2021 – 2023, kinh tế của thị xã tăng trưởng bình quân đạt ở mức 13,67%, là một trong những địa phương tăng trưởng cao hàng đầu của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2023. Đây phải nói là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương”, Bí thư Thị ủy An Nhơn khẳng định.
Chợ An Nhơn (phường Bình Định) được xây dựng và đưa vào sử dụng tháng 1.2024, trở thành chợ kiểu mẫu, văn minh; là điểm tham quan, mua sắm lý tưởng của người dân địa phương và các vùng lân cận. Đây cũng được xem là điểm nhấn về phát triển không gian đô thị của An Nhơn. Ảnh: Luận Nguyễn |
Càng mừng hơn, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thị xã đưa 6 xã lên phường (Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Phúc), đến nay các địa phương này đều hoàn thành 100% các tiêu chí, tiêu chuẩn của phường đô thị loại III.
Về Nhơn Lộc vào những ngày cuối tháng 8 này, chúng tôi có cảm nhận làng quê này đang dậy lên khí thế trở thành đô thị. Ông Trần Quốc Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lộc, thông tin: Đầu năm 2020, xã mới chỉ đạt 15/18 tiêu chuẩn của phường đô thị loại III. Thế nhưng chỉ sau 4 năm nỗ lực, đến nay xã đã hoàn thành 3 tiêu chuẩn được xem là khó thực hiện nhất gồm: Đất cây xanh sử dụng công cộng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong phát triển không gian đô thị, Nhơn Lộc đã chọn Tân Lập làm lõi đô thị, từ đó phát triển rộng ra các khu vực xung quanh như An Thành, Đông Lâm, Tráng Long, Trường Cửu…
“Để tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, Nhơn Lộc đã đẩy mạnh việc chỉnh trang, phát triển hạ tầng giao thông và khu dân cư đồng bộ theo hướng đô thị. Xã đã nâng cấp và mở rộng 28 tuyến đường giao thông với chiều dài 18,3 km theo chuẩn đường đô thị. Cùng với đó, xã cũng đã xây dựng khu dân cư tập trung An Thành và khu dân cư phía Đông Nam Trường Mầm non Nhơn Lộc với đầy đủ các chức năng đạt chuẩn đô thị. Hiện, khu dân cư An Thành đã đấu giá xong quyền sử dụng đất, người dân đang tiến hành xây dựng nhà cửa”, ông Hùng cho hay.
Sinh ra và lớn lên ở Nhơn Lộc, cả đời gắn bó với mảnh đất này, ông Trần Thế Vân – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trường Cửu, vô cùng tự hào với sự phát triển đi lên từng ngày của quê hương. Ông Vân bày tỏ: “Vui lắm, phấn khởi lắm! Trước đây có nằm mơ cũng khó mà nghĩ ra có ngày Nhơn Lộc sẽ trở thành đô thị. Thế nhưng bây giờ hằng ngày đi dạo ở những khu đô thị mới hình thành cùng hệ thống hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, đầy tiện ích thì mới thấy điều đó là hiện thực”.
Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Thanh Tùng cho biết: Theo đánh giá khảo sát, đến nay các tiêu chí, tiêu chuẩn để thành lập TP An Nhơn đã đạt 100% theo yêu cầu. Hiện, Đề án thành lập 6 xã lên phường và thành lập TP An Nhơn đã hoàn thành dự thảo để trình cơ quan chức năng xem xét. “Trong quá trình đô thị hóa, An Nhơn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống để tạo việc làm cho người dân. Mục đích cuối cùng là khi lên thành phố, tỷ lệ lao động trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ phải chiếm đa số”, ông Tùng nhấn mạnh.
Xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Ảnh: N.H |
An Nhơn đẹp lên từng ngày
Quá trình đô thị hóa ở An Nhơn diễn ra nhanh chóng đã mang đến những công năng đô thị mới đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại ngày càng cao của người dân và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một thành phố năng động trong tương lai. Trong chuyến công tác về làm việc với lãnh đạo TX An Nhơn mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đánh giá cao những kết quả đạt được qua thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương; đặc biệt đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của Đảng bộ, chính quyền thị xã trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XXIV, sớm hoàn thành các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành một thành phố trẻ, năng động trong tương lai.
Tuyến đường Lê Hồng Phong thuộc phường Bình Định (TX An Nhơn) được chỉnh trang sáng – xanh – sạch – đẹp. Ảnh: N.H |
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Muốn xây dựng thành phố đẹp, hiện đại thì không thể suy nghĩ manh mún, mà phải có tính toán tổng quan, cụ thể, phải quy hoạch mang tính lâu dài, bền vững. Thời gian qua, An Nhơn đã làm khá tốt công tác quy hoạch đô thị và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị ở các khu vực nội thị, khu vực ngoại thị. Cùng với đó, tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Nhờ vậy mà đô thị An Nhơn đang đẹp dần lên từng ngày”.
Được mệnh danh là “đất vua”, “đất thành” với bề dày về văn hóa, lịch sử, An Nhơn đang tiếp tục nỗ lực từng ngày để nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn, sớm trở thành thành phố trẻ của Bình Định. Bức tranh toàn cảnh tươi màu phố thị thời hiện đại đang hiện dần trên từng con phố nơi đây.
NGUYỄN HÂN – CHÍNH ĐỨC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=282654