Các đại biểu dự Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia”.
Tham dự buổi lễ, có các đồng chí: Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL ngày 09/4/2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 05 của tỉnh Bình Định được ghi danh, sau Võ cổ truyền, Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Việc nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Để Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Nhân buổi lễ hôm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị huyện Phù Cát chủ động phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch tổng thể, chi tiết đối với làng nghề, trong đó lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để tiếp tục bảo tồn và phát triển, gắn kết việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để giữ nghề và truyền nghề, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hoạt động tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của chủ thể di sản; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối với các công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng tour, tuyến phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia” cho lãnh đạo UBND huyện Phù Cát.
Nón ngựa Phú Gia từ lâu đã là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, đã và đang được người dân xã Cát Tường, huyện Phù Cát duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý. Những mẫu hoa văn “long, lân, quy, phụng” được thêu trên nón là biểu hiện quyền uy của người đội trong thời đại phong kiến. Nhìn vào hoa văn có thể biết phẩm hàm của vị quan đang sử dụng.
Nón ngựa Phú Gia được kết cấu đặc biệt nên rất bền chắc. Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn sẽ có độ bền sử dụng 150 đến 200 năm. Hiện vẫn còn nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước được lưu giữ tại thôn Phú Gia.
Hiện nay, nón ngựa Phú Gia có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Mỗi phiên chợ (05 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành khắp cả nước. Đây chính là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.
Nón ngựa Phú Gia được nhiều người dân và du khách yêu thích.
Nguồn: https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-lanh-dao/le-don-bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-nghe-cham-non-ngua-phu-gia-.html