Phó Thủ tướng: Rà soát từng dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 30.8, tại cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ với 29 bộ, ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại từng loại dự án, phân loại rõ các nguyên nhân, trách nhiệm, cam kết đối với các dự án mà ngân sách trung ương và địa phương đã phân bổ để thực hiện theo kế hoạch được giao.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan là 231.667 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết là 228.667 tỷ đồng, đạt 98,66%, trong đó có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ là hơn 3.099 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7.2024, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 87.073 tỷ đồng, đạt 37,59% (cao hơn mức bình quân của cả nước là 34,68%). Tuy nhiên chỉ có 8/29 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao. Một số cơ quan sử dụng vốn lớn đã đã kéo tỷ lệ giải ngân bình quân lên mức cao hơn bình quân của cả nước như: Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 30.127 tỷ đồng, Thanh hóa giải ngân 7.081 tỷ đồng, Nghệ An 4.583 tỷ đồng.
Cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ với 29 bộ, ngành và địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công |
Những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vẫn chủ yếu là do: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, chủ yếu là liên quan đến tới việc thực hiện các quy định pháp luật của từng dự án; vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và khó khăn trong đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng. Đối với các dự án chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao trong đó có nguyên nhân: chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, với những nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản, tỷ lệ giải ngân của 29 đơn vị thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 2 cao hơn mức trung bình của cả nước là một sự cố gắng rất lớn, tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, cần phải quyết liệt giải pháp đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn. Trong đó, chú ý hơn nữa đến công tác phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư, xử lý vấn đề thiếu hụt về vật liệu xây dựng bởi đây vẫn là những “điểm nghẽn” làm làm chậm tiến độ thi công, triển khai thực hiện nhiều dự án công trình. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung: cần đặc biệt tập trung thúc đẩy nhóm dự án quan trọng, dự án đang có tiến độ giải ngân tốt; đưa ra các yêu cầu cụ thể để các đơn vị thi công, nhà thầu khẳng định và thực hiện đúng các cam kết về chất lượng, tiến độ thi công các dự án, công trình…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng: “Từ giờ tới cuối năm, thời gian không còn nhiều, nên phải phân định ra các nhóm dự án, dự án đang có khả năng giải ngân tốt, đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là những khu vực có điều kiện để thực hiện dự án tổ chức thi công, mà thuận lợi, không gặp vướng mắc khó khăn về mặt bằng, nguyên vật liệu. Đặc biệt tập trung vào các dự án trọng điểm, dự án liên vùng, với các dự án đấy cơ bản đã được chuẩn bị từ đầu nhiệm kỳ nên bây giờ chủ yếu đang trong giai đoạn thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Hai là đẩy nhanh các nhóm xong thủ tục đấu thầu, thì bây giờ chúng ta đẩy nhanh việc tạo điều kiện cho nhà thầu bắt đầu thực hiện”.
Lãnh đạo, đại diện các địa phương như: Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Nam… khẳng định sẽ nỗ lực hết mình triển khai nhiệm vụ, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu về tỷ lệ giải ngân đề ra của năm 2024 trên tinh thần bám sát nhiệm vụ; trong quá trình thực hiện, khó khăn đến đâu sẽ tập trung xử lý tháo gỡ đến đó hoặc kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, tháo gỡ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, đối với các cơ quan giải ngân chưa đạt yêu cầu, tập trung bám sát tình hình các dự án để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công tác dự án, bù tiến độ từ đầu năm. Đối với các vướng mắc mà chủ yếu liên quan đến trách nhiệm thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, Phó thủ tướng đề nghị: 29 cơ quan rà soát lại từng loại dự án, phân loại rõ các nguyên nhân, trách nhiệm, cam kết đối với các dự án mà ngân sách trung ương và địa phương đã phân bổ để thực hiện theo kế hoạch được giao. Có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15.9. Các bộ, ngành, địa phương rà soát từng dự án để điều chỉnh trong nội bộ cơ quan.
Đối với vướng mắc liên quan đến vốn vay của các tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của địa phương, phối hợp với Bộ kế hoạch đầu tư, cái gì có thể giải quyết bằng sửa luật, vấn đề gì có thể giải quyết ngay thẩm quyền Chính phủ, tôi đề nghị nhóm vấn đề này bộ tài chính tập hợp để báo cáo Chính phủ. Đây là khó khăn lớn.
Đối với vướng mắc giữa Luật Đầu tư công và các luật liên quan đến xây dựng, Phó Thủ tướng đề nghị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Giao thông, nông nghiệp, LĐTB&XH… tổng hợp vướng mắc, trình chính phủ để tháo gỡ.
Theo Phương Thoa (VOV1)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=282639