Từ sông Côn anh thương nhớ sông Trà
Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đi đâu trên đất Nghĩa Bình cũng nghe bài hát Đi tìm người hát lý thương nhau. Tác giả của bài hát “không thể thiếu” trong mỗi cuộc vui ngày ấy là nhạc sĩ Vĩnh An (1929 – 1994, quê huyện Tây Sơn). Nhưng với Nghĩa Bình thời đó, Vĩnh An còn có một bài hát nữa, được giới sành nhạc miền Ấn – Trà đánh giá là một trong số không nhiều những nhạc phẩm hay nhất viết về Quảng Ngãi. Đó là bài Về lại sông Trà.
Xung quanh ca khúc này có khá nhiều giai thoại. Nhạc sĩ Điền Sơn (Hội VHNT Quảng Ngãi) kể: “Mùa hè năm 1984, Đội văn nghệ của Nhà máy đường Quảng Ngãi (nơi nhạc sĩ Điền Sơn công tác khi ấy) chuẩn bị tham gia chương trình Hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh, nhưng tìm cho ra một đạo diễn có nghề quả là gay. Đang bí thì ông Phạm Văn Niên, bấy giờ là Phó Giám đốc Nhà máy đường Quảng Ngãi, mách nước: “Tớ có quen với nhạc sĩ Vĩnh An, vừa là chỗ đồng hương cùng quê Tây Sơn – Bình Định, lại vừa là bạn chiến đấu thời chống Pháp, để tớ rủ cậu ấy về giúp thử xem sao”. Nói rồi ông Niên có lời mời người bạn cũ. Đáp lại tấm lòng thịnh tình ấy, nhạc sĩ Vĩnh An “về lại sông Trà” và nhận lời giúp cho đội văn nghệ của nhà máy. Cùng đi với ông ngày ấy còn có biên đạo múa Nguyễn Chư (Đoàn Văn công Quân khu 5) và ca sĩ Bích Việt – giọng ca vàng của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị”.
Nhạc sĩ Vĩnh An cùng các đồng nghiệp tham gia sáng tác và dàn dựng chương trình giúp Đội văn nghệ quần chúng của Nhà máy đường Quảng Ngãi thu được nhiều kết quả tốt trong đợt hội diễn năm đó. Tuy nhiên, nhạc sĩ Vĩnh An vẫn chưa hài lòng dù ca khúc Con sâu (viết về những tiêu cực của cánh lái xe nhà máy đường) của ông đoạt HCV. Ông cảm thấy như mình còn mắc nợ với sông Trà một điều gì đó mà “khó nói” ra.
Vợ chồng nhạc sĩ Vĩnh An – NSND Đàm Liên lúc sinh thời. Ảnh: PNVN |
Với bản tính trầm lặng, kiệm lời, nhạc sĩ Vĩnh An luôn khác biệt với nhiều văn nghệ sĩ vẫn thường hay “nổ” trong các cuộc trà dư tửu hậu. Nhưng với Quảng Ngãi – nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm trong ông suốt một thời trai trẻ hồi kháng chiến chống Pháp thì ông không thể giữ im lặng mãi trong lòng được. Ông thổ lộ với nhạc sĩ Điền Sơn: “Mình có một chuyện muốn nhờ Sơn, không biết cậu có giúp được không?”.
Ông chậm rãi thổ lộ: “Hơn 30 năm trước (năm 1952), đơn vị mình có đóng quân ở làng Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Phong trào văn nghệ ở làng Nghĩa Điền ngày ấy khá vui. Hầu như đêm nào thanh niên nam nữ cũng tụ lại tập đàn, tập hát. Trong số đám thanh nữ ngày ấy, có một người con gái vừa đẹp lại vừa hát hay. Cô gái ấy tên là Liên, mình không nhớ họ. Mình và Liên có đôi lần trò chuyện riêng tư và cũng có cảm tình với nhau. Nhưng chưa kịp bén tiếng quen hơi thì đơn vị mình phải hành quân lên Tây Nguyên tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1953 – 1954). Từ bấy, mình xa mãi cái làng Nghĩa Điền vui nhộn cùng người con gái tên Liên, hát hay và xinh đẹp ấy. Giờ biết tìm cô ấy ở đâu? Cũng đã hơn 30 năm rồi”.
Nhạc sĩ Điền Sơn đã đèo nhạc sĩ Vĩnh An bằng xe máy, ngang dọc khắp Nghĩa Điền, hỏi thăm về người con gái tên Liên “xinh đẹp hát hay” nhưng tuyệt nhiên không một ai biết rõ. Hai người đành ra về với những tiếng thở dài đầy tiếc nuối. Và rồi những âm thanh đầu tiên chợt lóe lên trong đầu nhạc sĩ Vĩnh An: “Về lại sông Trà về với quê hương, ơi con sông thương con sông nhớ của quê mình. Về lại sông Trà về với quê ta mà bao tháng năm tôi đi xa, dồn bao thương nhớ tôi lại về chứa chan ân tình sông Trà mến yêu…”. Tiết tấu mỗi lúc một dồn dập, da diết… Cho đến đoạn cuối “Ôi một tên sông mà người đi thương nhớ, người ở mãi đợi chờ, dòng sông ân tình dòng sông thủy chung” thì vỡ òa mọi nhẽ. Thì ra, mượn con sông Trà để nói hộ nỗi lòng mình sau hơn 30 năm trở lại.
Có một sự trùng lặp khá thú vị là người con gái tên Liên ở Nghĩa Điền ngày ấy lại trùng tên với NSND Đàm Liên – diễn viên tuồng nổi tiếng quê Phú Yên và là phu nhân của nhạc sĩ Vĩnh An. Có khi đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có thể nhạc sĩ Vĩnh An sợ “khai thiệt” người con gái ấy tên Trà sẽ làm tổn thương đến người vợ mình chăng?
Cũng có thể như thế và cũng không hẳn thế. Nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc và thơ ca, tác phẩm ra đời đôi khi chỉ là từ một duyên cớ rất vu vơ. Nhưng trong trường hợp này, người con gái tên Liên ấy đã ám ảnh người nhạc sĩ thực sự. Phải ám ảnh khôn nguôi thì mới có những ca từ da diết thế.
Dù người con gái ở làng Nghĩa Điền ngày ấy tên Liên hay tên Trà thì mảnh đất ấy, con người ấy và dòng sông Trà vẫn luôn chảy cùng Vĩnh An để ông bật lên những âm thanh sâu lắng mà bất cứ người Quảng Ngãi nào khi nghe bài hát cũng cảm thấy yêu quê mình thêm một chút.
TRẦN ĐĂNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=282993