Tôi biết anh Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An), từ lúc mới vào làm báo. Anh nói chuyện chậm rãi nhưng ẩn chứa trong anh là sự quyết liệt, quyết đoán của người làm kinh doanh. Điều này được minh chứng là anh đã xây dựng thành công thương hiệu HITEAK tại Hoa Kỳ.
Ông Huỳnh Quang Thanh (trái) tiếp đối tác Dubai đến tìm hiểu sản phẩm tại nhà máy
Hành trình vượt khó
Mỗi lần hẹn gặp anh Huỳnh Quang Thanh để phỏng vấn tôi lại được nghe anh chia sẻ câu chuyện nâng cao giá trị của ngành gỗ xuất khẩu. “Mặc dù đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước nhưng những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất Việt Nam vẫn chưa thể hiện được dấu ấn trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp trong nước chưa tạo lập được thương hiệu của riêng mình khi xuất khẩu ra thị trường các nước. Với thị trường nước ngoài, sản phẩm gỗ trong nước vẫn chưa ghi được dấu ấn. Chúng ta vẫn phải thông qua thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, khiến chúng ta mất khoảng 25-30% giá trị gia tăng của sản phẩm…”. Đó là câu chuyện tôi đã “thẩm thấu” từ anh Thanh nhiều lần.
Mỗi lần nói xong câu chuyện ấy, anh Thanh đều kết một câu chắc nịch rằng: “Khó nhưng không thể không làm”… Câu nói ấy treo lơ lửng theo thời gian, bởi chưa bao giờ anh chia sẻ rằng anh đang hiện thực hóa việc xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ Bình Dương trên mảnh đất của “thiên đường tiêu dùng” – Hoa Kỳ. Để hôm nay, ngồi lại và suy nghĩ tôi tự lý giải với mình rằng cũng dễ hiểu thôi, bởi những người có trách nhiệm thường ít nói trước. Hơn ai hết, ngoảnh lại 7 năm về trước, anh Thanh là người đối diện với muôn vàn thử thách.
Trò chuyện với chị Huỳnh Thị Phương Vy, con anh Huỳnh Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, chị nhẹ nhàng nói lên niềm tự hào và tin yêu về ba của mình. Phương Vy đang thay ba quán xuyến nhà máy sản xuất của công ty, đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo dựng thành công cho thương hiệu HITEAK.
“Xây dựng thương hiệu trên đất Việt đã là câu chuyện khó. Xây dựng thương hiệu trên đất Hoa Kỳ chỉ cần tưởng tượng ai cũng có thể hiểu nó khó hơn gấp vạn lần, với biết bao vấn đề cần xoay sở. Công ty đã trải qua hành trình 7 năm giới thiệu sản phẩm, tạo dựng dấu ấn ròng rã để có thể không ngừng nỗ lực chinh phục những khách hành ở xứ sở cờ hoa. Với sự quyết tâm của Ban Giám đốc, đến tháng 7-2024 chúng tôi đã tạo dựng được thương hiệu trên đất Hoa Kỳ. Đó là cả câu chuyện dài…”, chị Huỳnh Thị Phương Vy chia sẻ.
“Cái khó khăn nhất của việc xây dựng thương hiệu trên đất Hoa Kỳ là từ chỗ vô danh, chúng ta phải tăng cường có mặt trên hệ thống các cửa hàng và được khách hành thừa nhận để trở thành thương hiệu. Muốn làm được điều này, chúng ta phải có quyết tâm lớn, sự kiên trì, chiến lược phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa, thiết kế phù hợp với xu hướng tiêu dùng cũng là điều mà các doanh nghiệp cần phải đầu tư. Nhà máy phải luôn nâng cao chất lượng, đội ngũ thiết kế phải nắm bắt được nhu cầu thị trường. Cùng với đó là chiến lược có mặt trên hệ thống bán hàng khắp nơi trên đất Hoa Kỳ.
Đến nay, HITEAK đã có mặt trên 60 cửa hàng khắp Hoa Kỳ. Tất cả điều đó đúc kết lại khá ngắn gọn, song đó là một hành trình rất dài. Tất cả đối diện với rất nhiều cái khó nhưng không có nghĩa là chúng ta, những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không làm được. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã làm được”, chị Phương Vy tâm tình.
Về pháp luật, ngỡ là câu chuyện khó song chị Phương Vy lại cho biết việc đăng ký và các thủ tục tạo dựng thương hiệu trên đất Hoa Kỳ là điều rất dễ dàng. Nếu doanh nghiệp nào sợ rào cản về ngôn ngữ có thể thuê luật sư nước sở tại để giải quyết các vấn đề mang thủ tục hành chính trên đất nước rộng lớn này. Cái quan trọng và tiên quyết là sự kiên trì để được thừa nhận một thương hiệu.
Tầm nhìn Việt Nam
Mang tầm nhìn lớn, tư duy phát triển ngành gỗ Việt, chị Huỳnh Thị Phương Vy khẳng định việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng lượng khách hàng, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận. Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giá trị bán buôn nội địa mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Xây dựng thương hiệu cho chính mình, các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam. “Tầm nhìn và khát vọng của chúng tôi là mang sản phẩm không chỉ là hàng hóa mà là chữ HITEAK trở thành một thương hiệu tại xứ sở cờ hoa. Khách hàng Hoa Kỳ sẽ biết nhiều hơn về sản phẩm ngoại thất và hơn thế nữa là nhãn hiệu của người Việt”, chị Phương Vy chia sẻ khi nói về câu chuyện thương hiệu.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hiệp Long
Khi gõ vào giao diện Google thương hiệu “HITEAK” mọi người sẽ nhận được lời giới thiệu bằng tiếng Anh: “Được thành lập vào năm 1993, nhà sản xuất của chúng tôi tự hào có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm với hơn 700 nhân viên tận tụy. Tọa lạc tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam, cơ sở của chúng tôi trải rộng trên 10 mẫu Anh. Thương hiệu của chúng tôi chuyên về gỗ tếch trồng tại đồn điền được khai thác có trách nhiệm và các loại gỗ cứng khác. Chúng tôi phục vụ cho các thị trường trên toàn thế giới, chế tác đồ nội thất cao cấp cho cả mục đích sử dụng trong nhà và ngoài trời…”. Tất cả như một lần nữa minh chứng sự tự hào của một thương hiệu Việt trên đất cờ hoa.
Với Công ty TNHH Hiệp Long, hành trình xây dựng thương hiệu chỉ mới là câu chuyện bắt đầu. Phía trước là hành trình mà Ban Giám đốc công ty luôn phấn đấu để định vị và phát triển thương hiệu, với quan niệm làm được thương hiệu đã khó, phát triển thương hiệu càng khó hơn… “Ban Giám đốc công ty cũng đã chuẩn bị đất để di dời nhà máy theo chủ trương của UBND tỉnh. Chúng tôi đang trên đường thực hiện lộ trình chuẩn bị để phát triển nhà máy mới theo hướng hiện đại gắn với chủ trương phát triển ngành gỗ của tỉnh Bình Dương và Việt Nam, với khát vọng phát triển chuỗi cung ứng ngành gỗ hiện đại, bền vững, cộng đồng trách nhiệm cùng nhau đi tới…”, chị Phương Vy chia sẻ về lộ trình di dời nhà máy khỏi TP.Thuận An về huyện Bắc Tân Uyên.
Chia tay chị Huỳnh Thị Phương Vy, tôi cảm nhận được bản lĩnh kinh doanh trên nét mặt của chị. Tôi hiểu vì sao ở tuổi xế chiều, anh Huỳnh Quang Thanh lại rảnh rang ngao du khắp thế giới và “vác tù và hàng tổng” với niềm riêng đau đáu về khát vọng ngành gỗ Việt Nam vươn tầm thế giới trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFOREST)…
Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam: Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất sản phẩm gỗ cho thế giới, trong đó Bình Dương có lợi thế về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bền vững về chính sách, con người, nguồn cung nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu phát triển cùng khát vọng hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này sẽ trở thành hiện thực sớm hơn với những chính sách đột phá của Nhà nước, của địa phương trong việc đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành. Từ đó sẽ định vị được thương hiệu của ngành gỗ và chế biến gỗ ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
TIỂU MY
Nguồn: https://baobinhduong.vn/7-nam-xay-dung-thuong-hieu-tai-hoa-ky-a330536.html