Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. 

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng thu nhập, đời sống công nhân lao động hiện nay chưa bảo đảm, đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có giải pháp giải quyết căn cơ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thì quan tâm đến cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ những giải pháp để hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I năm 2023 là 7,9 triệu đồng – tăng 2,6% so với quý IV năm 2022. Trong đó, ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động như dệt may là 7,2 triệu đồng, điện tử 9 triệu đồng. 

Hệ thống doanh nghiệp cố gắng rất lớn, san sẻ với phương châm: Khi làm ăn thăng tiến cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy chưa cải thiện nhiều nhưng về cơ bản, chính sách tiền lương tối thiểu, thu nhập bình quân đã bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật.

“Liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang làm việc khu vực tư nhân và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời, cá nhân tôi xin trả lời một phần nào đó về vấn đề này. Muốn người lao động ở khu vực công và tư ổn định, việc quan trọng phải bảo đảm thu nhập, việc làm ổn định, tiền lương phải đủ sống, thu nhập bảo đảm cho bản thân và gia đình mình”, người đứng đầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu quan điểm. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Đặc biệt, về chính sách với lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tối 5-6, Bộ trưởng đã đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Còn một tháng trước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương.

“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề có tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông là những người mẹ đem theo con nhỏ. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, Bộ trưởng bộc bạch.

Vì vậy, nói về cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi tránh rơi vào cảnh bị mất việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, lao động phải được đào tạo ngay từ sớm, từ khi chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật rất khó khăn với người lao động vì “mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp”.

“Do đó, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa; các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra các giải pháp. 

NGUYỄN THẢO