Canada từ lâu đã được biết đến là một điểm đến hấp dẫn cho người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Sự thu hút này không chỉ mang lại lợi ích cho Canada mà còn có những ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam.
Chính phủ Canada gần đây đã công bố chính sách nhập cư trong ba năm tới của mình, trong đó sẽ tiếp nhận khoảng 485.000 người mới vào năm 2024 và 500.000 người cho mỗi năm trong hai năm 2025 và 2026.Định cư Canada đang dần trở thành xu hướng. Ảnh: Internet
Có thể nói, tỉ lệ sinh thấp dẫn đến tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng, chính điều này dẫn đến việc Canada cần người nhập cư để tiếp tục phát triển và tăng trưởng kinh tế. Do đó, hoạt động nhập cư là cần thiết, nhằm giúp Canada tăng dân số, đáp ứng nhu cầu bổ sung lực lượng lao động và giải quyết tình trạng già hóa dân số. Nhằm tiếp tục thu hút lao động nhập cư, Bộ Việc làm, phát triển lực lượng lao động và hòa nhập người khuyết tật Canada đã tài trợ cho các dự án thuộc Chương trình Công nhận chứng chỉ nước ngoài. Việc cải thiện các quy trình công nhận chứng chỉ nước ngoài giúp những người mới đến có tay nghề cao đạt được kinh nghiệm làm việc tại Canada trong ngành nghề hoặc lĩnh vực nghiên cứu của họ. Hiệp hội Dịch vụ định hướng đa ngôn ngữ cho cộng đồng nhập cư (MOSAIC) cũng nhận được tài trợ cho Dự án thí điểm thực tập trải nghiệm làm việc tại Canada. MOSAIC giúp các chuyên gia người nước ngoài đến Canada, với trình độ học vấn và kinh nghiệm quốc tế, có được kinh nghiệm làm việc cần thiết để tiếp cận các cơ hội trên thị trường lao động. Cùng trong dòng chảy ấy, những năm gần đây, định cư Canada đang dần trở thành xu hướng của nhiều gia đình Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 240.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Canada; phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh, bang là: Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia, cùng đóng góp vào sự phát triển của Canada, góp phần thắt chặt giao lưu giữa hai nước. Người Việt Nam định cư tại Canada thường gửi kiều hối về cho gia đình, góp phần cải thiện mức sống và điều kiện kinh tế tại quê hương. Đây là nguồn ngoại tệ quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Các kiều bào cũng có thể đầu tư vào các dự án kinh doanh hoặc bất động sản tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Người Việt Nam sau khi định cư tại Canada có thể trở về quê hương với những kỹ năng và kiến thức quý giá, từ đó góp phần hiện đại hóa các lĩnh vực kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Những người trở về có thể đóng vai trò là chuyên gia, giảng viên hoặc hướng dẫn nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, giúp nâng cao trình độ và khả năng cạnh tranh trong lao động.Canada luôn nằm trong danh sách các quốc gia có chất lượng sống tốt nhất trên thế giới. Hiện nay xứ sở "lá Phong đỏ" có các chính sách và chương trình định cư đa dạng giúp cho mọi người dân có nhu cầu định cư được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Việc có cộng đồng người Việt tại Canada giúp tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, tạo cơ hội cho sự hiểu biết lẫn nhau. Người Việt tại Canada có thể trở thành cầu nối thương mại giữa Canada và Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam. Các gia đình có người thân tại Canada có thể tiếp cận các cơ hội giáo dục và đào tạo tốt hơn cho con em mình, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học Canada và Việt Nam có thể giúp nâng cao trình độ học vấn và tạo ra những cơ hội học tập phong phú cho sinh viên Việt Nam. Canada có thể đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế và giáo dục tại Việt Nam, giúp tăng cường phát triển bền vững. Các chương trình hợp tác phát triển giữa các tổ chức Canada và Việt Nam có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.Canada luôn thu hút người nhập cư trên toàn thế giới. Ảnh: Internet.
Các tổ chức cộng đồng tại Canada có thể hỗ trợ người Việt nhập cư trong việc hòa nhập với xã hội mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng người Việt ở Canada và quê hương họ.
Không hề khó để tìm các cộng đồng người Việt Nam tại Canada trên các nền tảng xã hội. Từ hỏi thăm giấy tờ định cư đến trao đổi địa chỉ mua sắm các vật dụng hằng ngày, những người con xa xứ luôn có cách để kết nối và hỗ trợ nhau một cách kịp thời. Bắt đầu sang Canada từ năm 2006, chị Trần Thu Giang (42 tuổi), hiện đang sống tại thành phố Ottawa chia sẻ, gần 19 năm sinh sống và làm việc tại đây chị luôn cảm thấy thoải mái và thuận tiện bởi nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương và Chính phủ Canada. Ở Canada, chị Giang có thể đăng ký học các khóa học có sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu ở diện thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ tiền học phí, nếu xin được gói vay hỗ trợ của Chính phủ cho quá trình học tập của mình sẽ không phải trả lãi cho đến khi tốt nghiệp và có việc làm.
Chị Lê Thị Hoài Nam (46 tuổi), sinh sống tại Toronto cũng chia sẻ, chi phí sinh hoạt hằng tháng tại Canada có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa điểm và thu nhập. Trở thành thường trú nhân, bạn có đặc quyền được tiếp cận bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua hệ thống bảo hiểm y tế công của Canada. Điều này cho phép bạn được chăm sóc y tế khẩn cấp và miễn phí. Ngoài giáo dục, y tế miễn phí thì Canada có nhiều chính sách cho người thất nghiệp hoặc trợ cấp chăm sóc người già và trẻ nhỏ rất tốt.
Sự thu hút người nhập cư của Canada không chỉ mang lại lợi ích cho nước này mà còn tạo ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam. Bằng việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước, Việt Nam có thể tận dụng được tiềm năng từ cộng đồng người Việt tại Canada, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững trong nước./.
Công Đảo
Bình luận (0)