Từ thông tin cá nhân và mã OTP do nạn nhân cung cấp, đối tượng lừa đảo thực hiện liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng, rút tiền về ví và chiếm đoạt tiền.
Lừa đảo giao dịch ví điện tử
Các ngân hàng khuyến cáo một số thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch ví điện tử, cách phòng tránh. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng số điện thoại xưng là cán bộ ngân hàng hoặc đại diện từ các ví điện tử lớn như VNPay, ZaloPay,… gọi điện thoại, gửi email, hoặc nhắn tin qua SMS/Zalo để tiếp cận khách hàng, tư vấn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, vay tiền online, thông báo trúng thưởng, chăm sóc và lấy ý kiến khảo sát,… từ đó yêu cầu khách hàng cần mở một tài khoản ví điện tử.
Đối tượng yêu cầu khách hàng quét mã QR hoặc click vào đường link giả mạo, dẫn đến trang web có giao diện giống với ngân hàng hoặc ví điện tử, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản/thẻ tín dụng với lý do hỗ trợ thủ tục vay, nhận thưởng, hoặc tạo tài khoản ví. Kẻ gian thường yêu cầu cung cấp các thông tin như: họ tên, số CCCD, số tài khoản, mật khẩu, số thẻ, mã OTP,…
Sau khi thu thập thông tin do khách hàng cung cấp, kẻ gian sẽ tự tạo tài khoản giả mạo, từ đó kiểm soát ứng dụng ngân hàng và ví điện tử của nạn nhân. Đối tượng lừa đảo thực hiện liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng của nạn nhân, sau đó thực hiện việc rút tiền từ tài khoản ngân hàng về ví và chiếm đoạt tiền.
Ngân hàng khuyến cáo, khách hàng tuyệt đối cảnh giác trước các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, hoặc từ các tin nhắn, email yêu cầu quét mã QR. Tuyệt đối không bấm vào các đường link không rõ nguồn gốc được nhận qua tin nhắn/email. Không đăng ký tài khoản/định danh điện tử hộ người khác.
Không cung cấp thông tin cá nhân/thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Kiểm tra kỹ các thông tin liên lạc, đặc biệt là yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại, mạng xã hội.
Không tải hoặc cài đặt ứng dụng qua các đường dẫn (url) hoặc các hướng dẫn khác không chính thống, không rõ nguồn gốc qua link hoặc file cài đặt ứng dụng trên hệ điều hành Android (file APK),… Chỉ cài những phần mềm được cơ quan chức năng công bố trên website chính thức.
Kiểm tra ứng dụng và các tính năng trước khi thực hiện cấp các quyền xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình. Chủ động đóng/mở tính năng thanh toán trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng để kiểm soát các giao dịch online.
Giả danh shipper chiếm đoạt tiền của khách
Gần đây xuất hiện chiêu thức lừa đảo mới, đối tượng giả danh shipper gọi điện để giao hàng hóa đã đặt mua, quà tặng từ một đơn vị bán hàng, quà tặng từ ngân hàng (ví dụ thẻ tín dụng), khách hàng chỉ cần thanh toán phí giao hàng.
Đối tượng thường chọn lúc khách hàng không có mặt ở nhà, liên tục thúc giục nhận hàng với lý do nếu không giao kịp, sẽ không đạt chỉ tiêu trong ngày. Khách hàng thường bị thuyết phục và thực hiện chuyển khoản thanh toán đơn hàng hoặc phí giao hàng.
Sau khi nhận được khoản thanh toán, đối tượng thông báo nhầm lẫn, tài khoản nhận tiền là tài khoản hội viên chuyển phát, khách hàng sẽ bị trừ tiền hàng tháng cho gói cước hội viên này.
Đối tượng gửi một đường link và số điện thoại giả mạo (ví dụ: 1900xxxx), yêu cầu khách hàng liên hệ để hủy gói hội viên và hoàn tiền. Khi truy cập đường link và cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng hoặc thẻ của khách hàng sẽ bị mất tiền.
Các ngân hàng khuyến cáo, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không rõ thông tin như mã vận đơn, người nhận, hoặc đơn hàng không xuất phát từ nhu cầu của khách hàng.
Không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại trên mạng xã hội. Không quét mã QR không biết rõ nội dung.
Cẩn trọng với lời mời gọi, tặng quà từ bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Xác nhận thông tin với người bán qua kênh chính thức trước khi chuyển khoản. Không click vào đường link nếu không xác minh rõ ràng thông tin của người yêu cầu. Ngân hàng không thu bất kỳ khoản phí nào qua shipper.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/canh-giac-chieu-tro-lua-dao-trong-giao-dich-vi-dien-tu-va-gia-mao-shipper-2333397.html