Số lượt đại biểu đăng ký chất vấn một bộ trưởng cao kỷ lục

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có số lượng đại biểu đăng ký chất vấn cao kỷ lục, lên đến 122 đại biểu đăng ký. Đã có 32 đại biểu tham gia chất vấn, gồm 20 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi đến bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. 

Qua báo cáo cùng với các ý kiến tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. “Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hành lang pháp lý về phát triển khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là đối tượng ưu tiên hỗ trợ của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được cải thiện theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu hình thành, phát triển; hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học và công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Chúng ta xuất khẩu đã đạt đến 52,3 tỷ đô la vào năm 2022, hướng đến xuất khẩu 55 tỷ đô la trong thời gian tới. Việt Nam đã làm chủ, áp dụng thành công nhiều công nghệ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đem lại hiệu quả to lớn. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020”, Chủ tịch Quốc hội nói.

 Quang cảnh phiên chất vấn.

Không tiếc chi cho khoa học và công nghệ

Sau khi chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì cần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Đặc biệt là cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính,… theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh quyết toán các khoản chi về khoa học công nghệ. Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức.

Chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ, bảo đảm 2% chi ngân sách Nhà nước trở lên. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề chuẩn bị nhiệm vụ chi, đặc biệt là các dự án đầu tư liên quan đến khoa học và công nghệ là nhiệm vụ rất quan trọng, kể cả Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội mong hằng năm, Quốc hội xem xét, quan tâm trên cơ sở đề nghị của Chính phủ liên quan đến bố trí kinh phí khoa học và công nghệ cho cả Trung ương và địa phương. “Chúng ta không tiếc chi phí này, miễn làm sao chi cho đúng mục tiêu và mang lại hiệu quả đóng góp thực sự cho việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Rà soát về sự cần thiết, hiệu quả và vướng mắc, bất cập trong đầu tư các khu công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan (Luật khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Nghị định 95/2014/NĐ-CP…). Giải quyết hiệu quả hơn các vướng mắc để giải phóng tối đa nguồn lực từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

CHIẾN THẮNG