Trong giai đoạn tiểu học (từ 6 đến 11 tuổi), học sinh được tìm hiểu và thực hành ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ qua bộ môn Tiếng Việt. Bao gồm các phân môn nhỏ như Tập đọc, Đọc hiểu, Tập viết, Chính tả, Kể chuyện, Từ và Câu, Tập làm văn. Môn Tiếng Việt đóng vai trò là viên gạch đầu tiên xây dựng và hình thành các kỹ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, do mới tiếp cận với môn học và chưa được học nhiều, đọc nhiều, các em học sinh đã tạo ra những tình huống khiến người lớn phải ôm bụng cười.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy, từng là giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình, Hà Nội và hiện là thạc sĩ tâm lý học lâm sàng, chuyên về tâm lý giáo dục lứa tuổi mầm non và tiểu học đã chia sẻ câu chuyện vui về học sinh tiểu học khi cô dạy môn Tiếng Việt.
Cô Thúy kể, trong một lần đọc cho học sinh trên lớp chép bài “Gió heo may”, đến lúc chấm bài thì cô phát hiện duy nhất 1 bạn nam viết thành…”gió heo quay”.
Nguyên văn bài tập chép của học sinh được biến thể như sau: “Gió heo quay. Bao giờ có làn gió heo quay về mới thật là có mùa thu. Cái nắng gay gắt những ngày hè đã thành thóc vàng vào bồ, vào cót, vào kho và đã ẩn vào quả na, quả mít, quả hồng, quả bưởi… Những ngày có gió heo quay dù nắng giữa trưa cũng chỉ dìu dịu, đủ cho ta mặc một chiếc áo mỏng vẫn thấy dễ chịu”.
“Khi đọc bài văn mà tôi thấy buồn cười vì sự hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu của học sinh”, cô Thúy chia sẻ.
Sau đó, cô Thúy đã hỏi học trò vì sao lại viết như vậy. Cậu học sinh lớp 3 này đã giải thích “Con mới nghe thấy từ “heo quay” thôi chứ làm gì có “heo may”. Con đoán cô đọc sai nên con tự sửa”.
Một phụ huynh khác vui vẻ chia sẻ trong một hội nhóm giáo dục về bài tập của con. Theo đó, khi được yêu cầu viết tiếp ý còn thiếu trong chỗ trống về ý nghĩa của Gió, Biển, Chim, Cá thì đến phần “Cá làm…”, học sinh này đã viết ngay thành “Cá làm cá nướng”.
Chuyện chéo bài “tam sao thất bản” của học sinh tiểu học không phải chuyện hiếm và không ít lần khiến cho phụ huynh phải ôm bụng cười. Cũng trong hội nhóm phụ huynh này, phụ huynh chia sẻ hình ảnh học sinh viết “Gần mực thì đen, gần đèn thì nâu”; “Một con ngựa ăn cả tàu bỏ cỏ”; “Chó đụng mèo đậy”…
Chia sẻ về bài tập Tiếng Việt của học sinh, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thúy cho hay: “Những tình huống vui nhộn này xảy ra vì 2 lý do. Một là học sinh không hiểu ý nghĩa của đề bài và hai là học sinh chưa nghe những từ này bao giờ. Chính vì vậy, khi làm bài, các em thường điền theo suy nghĩ cảm tính của mình.
Với giáo viên, trước khi dạy cho học sinh nên giảng cho các em hiểu về câu thành ngữ, tục ngữ và xem được áp dụng vào hoàn cảnh nào. Ngoài ra, ở nhà, phụ huynh thường kể cho các con nghe về những câu thành ngữ, tục ngữ bởi vì nghĩa ẩn dụ của chúng rất khó hiểu đối với học sinh tiểu học. Nếu phụ huynh muốn con nhớ được lâu thì chỉ cần áp dụng đúng hoàn cảnh thì con sẽ nhớ được”.
Nguồn: https://danviet.vn/co-giao-doc-chinh-ta-mon-tieng-viet-hoc-sinh-lop-3-chep-tam-sao-that-ban-khien-ai-cung-om-bung-cuoi-202410211551475.htm