Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các hiệp hội, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp chủ chốt.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế, xã hội. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi. Đối với địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả trong và ngoài nước và hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế…
Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo về kinh tế trong 6 tháng đầu năm có nhiều đóng góp tích cực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, hầu hết các nước đều muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tây Phi, Đông Phi… Đây là cơ hội tăng cường ngoại giao kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, khi Việt Nam có nhiều sản phẩm mà thế giới cần, nhất là thế mạnh nông sản.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả và bài học kinh nghiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua; phân tích về các tồn tại, hạn chế. Hội nghị cũng đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng cuối năm như thúc đẩy triển khai các cam kết, thỏa thuận đã đạt được; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần đưa nước ta thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện “3 đột phá” chiến lược, gồm hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục ưu tiên cho hoạt động tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác đầu tư, giao lưu Nhân dân, phát triển du lịch.
Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường đối với các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường hoạt động kết nối kinh tế với các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị, giữa các nền kinh tế ở các nước, trong khu vực và trên thế giới…
Các bộ, ngành cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng phát triển; đồng thời, tích cực nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần “luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn chặt chẽ, hành động sáng tạo, mang lại hiệu quả, thiết thực”.
Các cơ quan đại diện ở nước ngoài tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thu hút tài chính, đưa hoạt động ngoại giao kinh tế ngày càng hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân.
Nguồn: https://baodaknong.vn/viet-nam-tang-cuong-ngoai-giao-kinh-te-thuc-day-dau-tu-221909.html