Trong bộ tứ danh họa mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu Trí-Vân-Lân-Cẩn, Trần Văn Cẩn (1910-1994) là người duy nhất sống được gần như trọn vẹn thế kỷ 20. “Ông gắn bó không rời với nền mỹ thuật Việt, tiếp thu hình ảnh đất nước con người qua các thời kỳ từ hiện đại đến đương đại. Ông nho nhã yêu nghề và các nhân vật của mình, yêu con người và phong cảnh đất nước Việt Nam,” nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét.
Trần Văn Cẩn là họa sỹ có số tranh lớn nhất mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu trữ được: 100 bức. Sức sáng tác của ông dồi dào, chảy theo những chuyển biến của đất nước. Một trong số đó là bức “Em Thúy” nổi tiếng và ấn tượng.
Trái tim rung động lên phím đàn
“Em Thúy” là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Trần Văn Cẩn. Nhiều người liên tưởng bức chân dung với nàng Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo Da Vinci. Nhưng “Em Thúy” mang một vẻ đẹp khác – một vẻ đẹp cổ điển của phụ nữ Việt từ 80 năm trước, lay động trái tim bao người.
Paul Zetter, nghệ sỹ, nhạc sỹ người Anh, là một người như thế. Năm 1998, Paul tới Việt Nam làm Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại đây. Ông bắt đầu tìm hiểu mỹ thuật Việt và phát hiện ra bức vẽ. Một cô bé có đôi mắt to tròn trong sáng, đôi môi chúm chím xinh xắn, ý nhị nhưng tinh khôi, lập tức khơi gợi nhiều cảm nhận ở Paul, khiến ông viết nên bản nhạc “Little Thúy’s Minuet” hay “Điệu Minuet cho Em Thúy” trên piano.
“Đó là những xúc cảm rất đặc biệt,” Paul Zetter nói. Ông từng kể có lẽ tình yêu với Việt Nam đã nhen nhóm từ đây. Về sau Paul có dịp tiếp xúc với một du học sinh mà đến khi hỏi, ông mới ngỡ ngàng biết anh chính là con trai bà Thúy.
Tới năm 2002 ông được gặp người phụ nữ trong tranh. Khi đó bà Thúy đã 67 tuổi, có cháu nội cháu ngoại đề huề. Bà Thúy khoe với Paul một bức vẽ của ông bác Trần Văn Cẩn bằng cách lôi từ dưới gầm giường, bởi xung quanh trên tường không còn một chỗ treo nào. Paul Zetter cười khúc khích khi kể lại câu chuyện khiến ông ấn tượng mạnh mẽ.
Paul định cư tại Việt Nam nên nhiều năm có dịp ghé thăm gia đình bà Thúy dịp Tết. Ông trở thành một người bạn thân thiết, gần gũi của gia đình.
Từng có thời điểm Paul Zetter với tinh thần của một người yêu Việt Nam và cán bộ của Hội đồng Anh tại Việt Nam, đã giúp kết nối mạnh thường quân, chuyên gia nước ngoài để phục chế cho bức “Em Thúy,” góp phần gìn giữ cho hiện trạng tranh được như ngày nay.
Ngày 8/8 vừa qua, cuốn sách về danh họa Trần Văn Cẩn và các tác phẩm của ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng. Họa sỹ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) là người viết lời tựa cuốn sách, đã nhận xét: Những tiếng lòng, hồn cốt của người đàn bà Việt đã được tập hợp trong tác phẩm âm nhạc của Paul Zetter.
“Từ ‘em Thúy’ 8 tuổi ngày xửa ngày xưa đến cụ Thúy mới về trời, là cả 1 thế kỷ với những biến động lớn của xã hội. Tôi nghĩ ở trên trời, ’em Thúy’ và cụ Thúy chắc đều nhẹ nhõm đón nhận tình cảm của cộng đồng,” ông Đoàn chia sẻ trong xúc động nghẹn ngào.
Rời “tháp ngà,” dấn thân cùng dân tộc
Sinh thời, họa sỹ Trần Văn Cẩn không màng danh lợi mà sống khiêm tốn, giản dị. Ông đóng góp nhiều công sức xây dựng nền mỹ thuật Việt ở cương vị cá nhân và cả khi là hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, làm việc tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến với nhiều năm gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật kể năm 1980, Bảo tàng đã đề nghị mua lại 200 bức tranh của Trần Văn Cẩn. Thấy ông tỏ ý ngạc nhiên và nghĩ vậy là quá nhiều, bảo tàng giảm đề nghị xuống một nửa.
Do khó khăn nên mãi bảo tàng không đủ kinh phí trả ông. Trôi qua nhiều năm, đến 1985 khi đã gom đủ số tiền thì bảo tàng lại phải gửi ông bằng một bịch toàn tiền xu. Bà Hải Yến dè dặt cầm túi tiền tới gặp ông, cuối cùng lại thấy ông chẳng lấy gì làm phiền, ngược lại chỉ vui vẻ “khoe” về cuộc gặp với các họa sỹ miền Nam, về tinh thần kết nối hội họa hai miền thời đổi mới khi ấy.
Ngược về thời kháng chiến chống Pháp, Trần Văn Cẩn từ Hà Nội được điều động lên chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến. Ông rời “tháp ngà,” dấn thân nhiệm vụ nơi chiến trường. Phong cách của ông cũng có sự thay đổi từ đây.
Những tác phẩm tiêu biểu của Trần Văn Cẩn trải dài từ chân dung thành thị đến đời sống lao động. “Ban đầu Trần Văn Cẩn vẽ theo phong cách hiện thực lãng mạn hậu ấn tượng, sau này là hiện thực Xã hội chủ nghĩa” – Thạc sỹ Lê Quốc Huy, trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng thành viên ban biên soạn khái quát.
Những đối tượng trong tranh ông chuyển từ nhân vật thành thị như “Em Thúy” hay “Thiếu nữ đọc sách,” sang nông dân, công nhân, tầng lớp lao động nói chung như “Tát nước đồng chiêm” hay “Thằng cu đất mỏ”… Tranh ông đều là những tác phẩm nổi bật trong thời kỳ của mình.
Cùng với thế hệ vàng mỹ thuật Đông Dương, Trần Văn Cẩn của tứ kiệt “Trí Vân Lân Cẩn” được nhìn nhận là đã đặt những viên gạch quý giá cho hội họa Việt Nam hiện đại và đương đại, từ thế kỷ 20 đến thế kỷ 21.
Giới mỹ thuật gọi họa sỹ Trần Văn Cẩn là người đồng hành thủy chung với số phận dân tộc, với đất nước và với bất cứ ai. Hành trình của ông là một thiên sử dài chưa bao giờ cũ. “Tài năng hội họa của ông lưu giữ một miền biên viễn của người Việt ở bất kỳ lĩnh vực nào,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhận định./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/danh-hoa-tran-van-can-nguoi-dong-hanh-thuy-chung-voi-so-phan-dan-toc-post969604.vnp