Trong bối cảnh nền nông nghiệp ngày càng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực không ngừng để phát triển ngày càng vững mạnh, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, yên tâm gắn bó với ruộng đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý được khách hành ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Mới đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) là 1 trong 2 HTX trên địa bàn tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam trao tặng danh hiệu "Ngôi sao hợp tác xã năm 2024" với thành tích đi đầu trong hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh (SXKD), xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Chia sẻ về niềm vui này, bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết: Đây là niềm vinh dự lớn, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp nhiều mặt của HTX trong những năm qua.
Thực hiện chuyển đổi và tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 từ năm 2014, với gần 640 hộ thành viên, chia làm 6 tổ sản xuất, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý mạnh dạn thay đổi tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa nhiều giống cây trồng mới, cho năng suất cao vào gieo trồng (như các giống lúa RVT, DQ11, TBR225, Thiên Ưu 8...); đồng thời tập trung đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh liên kết, tạo chuỗi khép kín trong sản xuất và tiêu thụ (liên kết với 11 đơn vị, doanh nghiệp), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu, năm 2020, sản phẩm “Gạo ngon Phú Xuân” của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận và UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 408 HTX nông nghiệp, trong đó, có 261 HTX đang hoạt động, còn lại đã ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Hoạt động chủ yếu của các HTX nông nghiệp là dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, làm đất, khuyến nông, cung ứng giống cây, con, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tổng hợp...
Thời gian qua, nhằm tạo động lực cho các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng phát triển, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được tỉnh triển khai như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; giao đất, cho thuê đất...
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, một số HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 hoặc được thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Công tác tổ chức quản lý từng bước được củng cố và đã dần hạn chế tình trạng tồn tại hình thức, thua lỗ; hằng năm có đóng góp nhất định vào sự phát triển KT - XH của địa phương.
Năm 2023, doanh thu bình quân của mỗi HTX nông nghiệp đạt 1,2 tỷ đồng; lãi bình quân mỗi HTX đạt 250 triệu đồng.
Các HTX tiêu biểu hoạt động có hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như HTX Nấm Tam Đảo (Tam Đảo); HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương)...
Mặc dù vậy, nhìn chung, hiệu quả hoạt động của phần lớn HTX nông nghiệp chưa cao, hầu hết các HTX mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất, số HTX tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho thành viên chưa nhiều.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất còn hạn chế; sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao. Việc liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác chưa chặt chẽ, thiếu tính ổn định, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; giá trị HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều.
Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, quy mô nhỏ bé, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn nên khó tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng do không có tài sản thế chấp; chưa xây dựng được phương thức quản lý và sử dụng vốn; phương án SXKD thiếu tính khả thi, không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao…
Năm 2023, dư nợ cho vay khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đạt thấp với hơn 127 tỷ đồng (giảm gần 25% so cùng kỳ năm 2022) với 18 HTX và 36 tổ hợp tác vay vốn.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhu cầu về sản phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là nông sản... đòi hỏi các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ động thoát khỏi những cản trở và vướng mắc mang tính cố hữu trong hoạt động SXKD như phân tán, quy mô nhỏ, không liên kết, chậm ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến…
Đồng thời xây dựng và triển khai phương án SXKD hiệu quả, minh bạch tài chính, trả nợ đúng hạn làm cơ sở để các tổ chức tín dụng cho vay vốn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước...
Cùng với đó là sự trợ lực từ phía các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, xúc tiến thương mại, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Khuyến khích các đơn vị đổi mới công nghệ, gắn quá trình sản xuất, chế biến với xuất khẩu sản phẩm chủ lực có quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp các HTX nông nghiệp ngày càng phát triển, là điểm tựa để bà con nông dân thêm gắn bó với đồng ruộng, thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Lưu Nhung
Nguồn
Bình luận (0)