Tại Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn” diễn ra hôm nay (9.8), ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM – cho biết hiện nay nhà trường có 4 cơ sở tham gia đào tạo ngành bán dẫn chương trình đào tạo, sau đại học, đào tạo liên quan đến chứng chỉ, thực hiện nghiên cứu… Quy mô khoảng 17.000 sinh viên đang theo học những ngành liên quan, khoảng 6.000 sinh viên tham gia học ngành gần liên quan.
Sau khi có sự điều chỉnh mở thêm ngành bán dẫn, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 đã tăng lên khoảng 62% so với năm trước đó. Đối với Trường Đại học Khoa học tự nhiên sau khi mở 2 ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, chỉ tiêu tăng lên 110 và tăng lên 30 chỉ tiêu thạc sĩ.
“Điểm xét tuyển đầu vào ngành bán dẫn rất cao. Với phương thức đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia, điểm xét tuyển là 900 điểm, ngang thuộc top các ngành đào tạo” – ông Quân thông tin.
Ông Quân khẳng định việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình hợp tác như hiện nay giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Đại học Quốc gia TPHCM, Tập đoàn FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT – cho rằng yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa Nhà nước – Nhà trường – doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa ba bên. Cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan. Ngoài ra, ông cũng đánh giá cao vai trò của việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
“Về đầu ra, tôi nhận thấy, các bạn học ngành bán dẫn có rất nhiều cơ hội việc làm. Khi tôi gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, họ có nhiều việc giao cho chúng ta. Việc của chúng ta phải học nhiều để vươn lên” – ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Trong khuôn khổ sự kiện, cũng diễn ra Lễ bế giảng chương trình “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản”. Đây là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do NIC phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence cùng sự hỗ trợ của các trường Đại học trong lĩnh vực bán dẫn. Khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI), bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, học viên sẽ có kiến thức thực tế chuyên sâu về việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối các trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước.
Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/diem-dau-vao-nganh-ban-dan-thuoc-top-cac-nganh-dao-tao-1378267.ldo