Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 1104 ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 đối với tỉnh Nam Định.
Trước khi được sắp xếp, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 9 huyện), 224 xã, phường, thị trấn.
Theo Nghị quyết được công bố, từ ngày 1/9/2024 (ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành) huyện Mỹ Lộc được sáp nhập với TP Nam Định. 77 xã, phường, thị trấn của tỉnh (trong tổng số 226 xã, phường, thị trấn) cũng được sắp xếp thành 26 đơn vị hành chính mới, qua đó giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh (từ 226 giảm còn 175 đơn vị).
Sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 8 huyện); 175 đơn vị hành chính cấp xã (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn).
Trong đó, TP Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường, 7 xã).
Huyện Vụ Bản có 14 đơn vị hành chính cấp xã (13 xã, 1 thị trấn).
Huyện Ý Yên có 23 đơn vị hành chính cấp xã (22 xã, 1 thị trấn).
Huyện Nam Trực có 18 đơn vị hành chính cấp xã (17 xã, 1 thị trấn).
Huyện Xuân Trường có 14 đơn vị hành chính cấp xã (13 xã, 1 thị trấn).
Huyện Nghĩa Hưng có 20 đơn vị hành chính cấp xã (17 xã, 3 thị trấn).
Huyện Hải Hậu có 24 đơn vị hành chính cấp xã (21 xã, 3 thị trấn).
Huyện Giao Thuỷ có 20 đơn vị hành chính cấp xã (18 xã, 2 thị trấn).
Sau khi được sáp nhập, hầu hết các xã, phường, thị trấn mới ở Nam Định đều được đặt tên theo tên của 1 trong những đơn vị cũ, ví dụ tại TP Nam Định, khi các phường Vị Xuyên, Vị Hoàng, Trần Tế Xương sau khi sáp nhập làm một được đặt tên mới là phường Vị Xuyên.
Một vài trường hợp được đặt tên mới, ví dụ khi các xã Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương (huyện Xuân Trường) được sáp nhập làm một, tên đơn vị mới được đặt là xã Trà Lũ, vốn là tên có từ xa xưa của vùng đất này.
Ngoài ra, tên thị trấn Ngô Đồng (trung tâm huyện Giao Thủy) từ nay không còn, vì sau khi sáp nhập thị trấn Ngô Đồng và các xã Giao Tiến, Hoành Sơn làm một, tên đơn vị mới là thị trấn Giao Thủy (trùng tên huyện).
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá, biểu dương thời gian qua tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính; phối hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước; bảo đảm chất lượng, tiến độ; tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Việc này cũng nhằm tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, người dân, nhất là trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 1104 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là các quy định, hướng dẫn về chế độ chính sách của Nhà nước để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, tích cực triển khai, đồng thuận thực hiện đạt kết quả, hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức bảo đảm nguyên tắc thống nhất tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức cùng cấp, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chú ý các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để có phương án giải quyết, hỗ trợ thấu tình đạt lý, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cần bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi sắp xếp, thay đổi con dấu, giấy tờ; trong thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Liên quan việc giải quyết, hỗ trợ số cán bộ cấp huyện, cấp xã ở Nam Định dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, ngày 29/3, thông tin với báo chí về công tác chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính ở tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Trần Văn Dương cho biết, sau khi sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh dự kiến có 884 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc diện dôi dư.
Về phương án giải quyết, theo ông Trần Văn Dương, ngoài điều chỉnh, điều động trong nội bội, thay thế những cán bộ nghỉ hưu theo lộ trình, khuyến khích nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế, chính quyền tỉnh Nam Định sẽ dành kinh phí hỗ trợ những cán bộ dôi dư sau sắp xếp ngoài chế độ chung.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chu-tich-quoc-hoi-giai-quyet-ho-tro-can-bo-doi-du-thau-tinh-dat-ly-10287709.html