Thảm họa phòng vé
“Dự án mật: Thảm họa trên cầu” – bộ phim cuối cùng của cố tài tử Lee Sun Kyun – là một bom tấn đề tài thảm họa, kinh dị của điện ảnh Hàn Quốc với kinh phí sản xuất 18,5 tỉ kwon (hơn 13 triệu USD). Phim mô tả những thảm họa nối tiếp nhau: Một tai nạn liên hoàn xảy ra trên cầu khiến chiếc xe chở đàn chó thí nghiệm bị tai nạn.
Lũ chó được huấn luyện để săn lùng khủng bố xổng chuồng, tấn công dân thường. Sương mù dày đặc ngăn chặn những nỗ lực cứu viện, từ đó dẫn đến hàng loạt thảm họa xảy ra: Trực thăng rơi, nổ tàu chở dầu, rò rỉ khí độc, sập cầu… Cây cầu biến thành địa điểm sinh tử, giống như một xã hội thu nhỏ phản ánh đa dạng mối quan hệ con người. Đối mặt với nguy cơ sống – chết, bản ngã mỗi người được phơi bày trần trụi.
Sau khi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, đồng thời cũng được khán giả quê nhà đón nhận khá hào hứng (doanh thu phòng vé Hàn Quốc 4,8 triệu USD), phim hăm hở tiến ra thị trường quốc tế, nhưng đột ngột… ngã ngựa tại Việt Nam. Tính đến 8.8, sau hơn 2 tuần công chiếu, “Dự án mật: Thảm họa trên cầu” thu vẻn vẹn 22 tỉ đồng, kém khá xa so với những bom tấn thuộc các thể loại khác như “Deadpool & Wolverine” (74 tỉ đồng), “Conan 27: Ngôi sao 5 cánh 1 triệu đô” (82 tỉ đồng).
Chung số phận là một phim khác cũng thuộc thể loại thảm họa của điện ảnh Hàn Quốc: “Vây hãm trên không” dựa trên sự kiện không tặc có thật năm 1971. Khởi chiếu từ 18.7, phim thu vẻn vẹn… 9 tỉ đồng ở thị trường Việt Nam. Trước đó, “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn, được quảng bá là phim sinh tồn, thảm họa được đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng hứng chịu thất bại nặng nề. Với kinh phí sản xuất hàng chục tỉ đồng, phim rời rạp với doanh thu chỉ hơn 3 tỉ đồng, khiến nhà sản xuất lỗ nặng.
Người trong nghề nói vui, cái tên lậm vào thành tích, phim đề tài thảm họa đã trở thành những thảm họa phòng vé đúng nghĩa, dù chất lượng phim không hề tệ.
Khán giả Việt không còn hào hứng với đề tài thảm họa
Những số liệu nói trên chứng minh một điều: Từ sau đại dịch COVID-19, khán giả Việt đã không còn hào hứng với thể loại phim thảm họa vốn trước đó khá được yêu thích với những cái tên như “2012”, “Chuyến tàu băng giá (Snowpiercer)”, “Chuyến tàu sinh tử (Train to Busan)” hay “San Andreas”.
Chuyên gia truyền thông, nhà đầu tư phim Ân Nguyễn cho rằng, yếu tố cuốn hút khán giả nhất của thể loại phim thảm họa là khơi gợi được ký ức tập thể về một sự kiện, một chi tiết, một câu chuyện. “Khán giả có thể tìm thấy sự đồng cảm, nỗi sợ hãi, lo lắng về những gì được chứng kiến trên màn ảnh. Nếu phim làm tốt sẽ còn kích thích adrenaline khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Phim thảm họa là một thể loại khó, đầy thách thức với bất cứ nhà làm phim nào” – anh Ân Nguyễn chia sẻ với Lao Động.
Một trong những chức năng của điện ảnh là giúp công chúng bị cuốn theo những câu chuyện giả tưởng, từ đó quên đi thực tại đôi khi khắc nghiệt của cuộc sống ngoài đời. Tuy nhiên, khi mà thế giới vừa trải qua một dịch bệnh có thật, dường như thảm họa không còn là “món ăn” được công chúng ưa thích” – đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhận định.
Nhìn vào những thành công tại phòng vé Việt trong năm 2023 và 2024, những bộ phim được khán giả yêu thích nhất đều thuộc thể loại gia đình, tình cảm nhẹ nhàng, hài hước, hoạt hình hoặc những bom tấn hành động. Nên chăng các nhà làm phim Việt, các đơn vị nhập phim nên chú ý đến chi tiết này để tránh những phi vụ thua lỗ nặng nề khi kinh doanh phim.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/giam-suc-hut-phim-de-tai-tham-hoa-that-thu-1378402.ldo