So với những tháng đầu năm, trong quý II và quý III/2024, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng khá hơn.
Tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 76.200 tỷ đồng, tăng 3.354 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng khoảng 4,5%). Trong tổng dư nợ trên, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt 30.016 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển), tăng 1,31% so với đầu năm, với 103.055 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp 36.442 tỷ đồng, tăng 2,56% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 1.457 tỷ đồng, tăng 52,09% so với 31/12/2023. So với đầu năm, các lĩnh vực cho vay đều có dư nợ tăng cho thấy, hiện nay nền kinh tế đang từng bước hấp thụ vốn đạt kết quả tốt.
Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các NHTM chấp hành nghiêm quy định về lãi suất, phí giao dịch; tích cực tham gia và triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – Doanh nghiệp; thường xuyên liên hệ, trao đổi với khách hàng vay để nắm bắt kịp thời và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1 – 2%/năm để hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; chấp hành nghiêm việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; rà soát, cập nhật các quy định nội bộ liên quan đến đôn đốc, thu hồi nợ, bảo đảm quá trình thu hồi nợ tuân thủ đúng quy định của pháp luật và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã (Co – opBank) Hà Nam cho biết: Nếu so với những tháng đầu năm, trong quý III/2024 tỷ lệ giải ngân của Co – opBank Hà Nam có mức tăng trưởng khá hơn. Đến nay, dư nợ tín dụng của chi nhánh đạt khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, hiện nay một số khách hàng truyền thống của đơn vị thu gọn sản xuất, nhu cầu sử dụng vốn vay của ngân hàng giảm, phần nào đã ảnh hưởng tới mức tăng trưởng tín dụng.
Trong những tháng cuối năm 2024, Chi nhánh Co – opBank Hà Nam tiếp tục phối hợp với các quỹ tín dụng trên địa bàn khảo sát nhu cầu vay vốn của khách hàng, trong đó cán bộ tín dụng của các chi nhánh sẽ trực tiếp xuống hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn, nhanh chóng giải ngân vốn theo quy định…
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Thanh Liêm cho biết: Khoảng hơn 85% nguồn vốn của chi nhánh cho vay phát triển kinh tế hộ, còn lại gần 15% là cho vay doanh nghiệp. Trong đầu quý III, mức tăng trưởng tín dụng có chiều hướng cao hơn so với quý I và quý II. Đối với nhiều doanh nghiệp là khách hàng thân thiết với chi nhánh nhiều năm qua vẫn sử dụng số vốn lớn, đầu năm sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất, nhưng đến quý III lại có chiều hướng mở rộng kinh doanh. Đối với khách hàng là hộ nông dân do những bất ổn về thị trường tiêu thụ cộng với những rủi ro bởi thiên tai bệnh dịch nên rất dè dặt khi vay vốn ngân hàng.
Thời gian qua, các NHTM đã tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay, song những doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực thì nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh lại rất thấp; trong khi, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì điều kiện bảo đảm lại không đáp ứng yêu cầu dẫn tới tăng trưởng tín dụng chậm. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi. Hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các gói vay ưu đãi từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, các NHTM đã tập trung giải ngân vốn cho khách hàng vay, song những doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực thì nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh lại rất thấp; trong khi, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì điều kiện bảo đảm lại không đáp ứng yêu cầu dẫn tới tăng trưởng tín dụng chậm. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi. Hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các gói vay ưu đãi từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Để tăng trưởng nguồn vốn, những tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khống chế rủi ro để giảm lãi suất cho vay, bằng cách sử dụng vốn theo phương án vay và cấp tín dụng theo sức hấp thụ thực tế của khách hàng. Điều này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống. Riêng các NHTM cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, góp phần thúc đẩy các dòng tín dụng thị trường và tạo hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ khách hàng.
Trần Thoan
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/du-no-tin-dung-co-chieu-huong-tang-cao-131399.html