Về quê tôi gần đây, vùng đất bãi bồi phù sa ven sông Luộc, thấy nhiều gia đình trồng rất nhiều cây cau con. Hỏi ra mới biết, thời gian gần đây, cau quả rất được giá, có lúc bán đến 2030 nghìn đồng một kg. Cây cau gặp đất tốt, lớn nhanh như thổi, chỉ vài ba năm đã trổ bông đâm buồng.
Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng giữ lấy vài cây cau trước nhà. Cau được trồng theo hàng thẳng tắp, thường thì mỗi hàng cau như thế có từ ba, năm, bảy... cây theo số lẻ. Đã có cau, ắt phải có cây trầu không đi kèm. Cây trầu không quấn quýt lấy thân cau, leo dần lên, những lá trầu xanh vàng quyện với mùi của hoa cau, toả ra một hương thơm khó tả, chỉ ở vùng quê mới có. Những gốc cau, khóm trầu nếu được chăm sóc cẩn thận, bón phân vi sinh, giữ cho đất sạch sẽ, không phun thuốc hoá học, nhất là được bón bằng vôi bột, thì cây rất tốt, không có sâu bệnh. Trong phong tục ăn trầu, vôi là một thành phần không thể thiếu, góp phần làm cho nước trầu và bã trầu thêm đậm đà, màu sắc đỏ au. Có câu thơ rất hay và ý nghĩa trong miếng trầu của người Việt: “Tách riêng, thì đắng, thì cay/Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người/Tách riêng, xanh lá, bạc vôi/Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?/... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”. Đặc biệt, theo tín ngưỡng dân gian, khi có việc cần hái lá trầu vào buổi tối, người hái cần phải xưng danh và đánh thức cây trầu dậy: “Trầu ơi trầu à/ Tao là người nhà/ Tao xin mấy lá/ Mày đừng giận nhá”. Nếu không, cây trầu dễ bị chột, lụi tàn dần mà chết. Về nhiều vùng quê hiện nay, với những cây cau thẳng tắp, dưới gốc là những khóm trầu không ngay trước sân nhà, tô điểm cho những gian nhà ngói đỏ như giữ lại nét đẹp truyền thống, mang lại cảm giác thanh bình, yên ấm của nông thôn mới Việt Nam.
Không biết từ bao giờ cây cau, vườn trầu đã thành cây trồng truyền thống đi theo người Việt suốt từ Bắc tới Nam. Cho dù ngày nay, số lượng người ăn trầu ngày càng ít đi, thế nhưng, quả cau, lá trầu vẫn là một thứ thật thiêng liêng trong nhiều sinh hoạt lễ nghi. Hàng cau, khóm trầu là vật sờ được bằng tay, nhìn thấy tận mắt, thưởng thức vị giác, khứu giác để lưu giữ “Sự tích trầu cau” như mộtdấu ấn văn hóa của người Việt qua hàng thế kỷ và mãi mãi sau này, nhắc nhớ về nét đẹp tinh thần: Tình anh em thuận hòa, vợ chồng tiết nghĩa... Chính vì "miếng trầu là đầu câu chuyện", trong các đám dạm ngõ bắt buộc nhà trai phải có lễ vật là trầu cau để đến nói chuyện với nhà gái. Trong các đám ăn hỏi, mâm trầu cau được rước vào nhà cô dâu trước tiên. Theo phong tục cưới hỏi đầy đủ, mâm trầu cau được chuẩn bị trong lễ ăn hỏi để thể hiện sự chính thức của mối quan hệ và báo tin vui cho hai bên gia đình. Mọi người cùng nhau uống nước và xơi trầu để làm quen, thể hiện sự gần gũi và chung vui cho lễ cưới sắp tới. Trong lễ dạm ngõ, mâm trầu cau được dùng để thay lời mời ngỏ giúp hai bên thông gia hiểu nhau hơn. Trong lễ ăn hỏi, tráp trầu cau ăn hỏi là tấm lòng của con cháu dâng lên tổ tiên và là lời chào đón nồng nhiệt của gia chủ với khách tham dự ngày trọng đại của đôi trẻ. Một trong những điểm đặc biệt được chú ý trong lễ ăn hỏi là mâm trầu cau. Một khay trầu cau cưới hỏi gồm một buồng cau và nhiều lá trầu được xếp cẩn thận xung quanh. Kích thước của buồng cau có thể lớn nhỏ tùy theo sự lựa chọn của mỗi gia đình, nhưng phải bảo đảm đủ đôi, đủ cặp để minh chứng cho tình yêu đôi lứa. Số lượng các quả cau trong buồng là lời chúc phúc và gửi gắm tình cảm tốt đẹp nhất dành cho hai vợ chồng. Mỗi quả cau đi với 2 lá trầu. Người ta thường chọn buồng cau 60 hoặc 100 quả là đẹp nhất, nhưng ngày nay có thể chọn 65 hoặc 105 quả theo quan niệm phong thuỷ và phong tục từng vùng miền. Buồng cau gồm 100-105 quả có ý nghĩa tốt đẹp trong ngày cưới với câu chúc “trăm năm hạnh phúc”. Càng nhiều quả cau, càng chứng minh tình yêu bền vững bên nhau đến "đầu bạc răng long". Buồng cau có vài trăm quả thể hiện sự đủ đầy, sung túc và con cháu đề huề trong cuộc sống tương lai của hai vợ chồng. Rồi đến thời khắc xin dâu, một phụ nữ có tuổi, hiền lành, phúc hậu... đại diện cho nhà trai bê tráp trầu cau đến nhà cô dâu trước, đặt lên bàn thờ gia tiên để "xin dâu", sau đó họ nhà trai mới vào rước dâu... Vào những ngày giỗ, ngày Tết, ngày lễ quan trọng, bắt buộc phải có những quả cau đẹp, những lá trầu ngon được đặt nghiêm cẩn trênbàn thờ gia tiên. Ở quê tôi, trong nhiều gia đình, con cháu không còn giữ thói quen ăn trầu, nhưng ở một góc bàn thờ vẫn y nguyên trên đó có khay trầu bằng đồng, cơi trầu, ống trầu, lọ bình vôi, chày giã trầu, đinh ba, dao têm trầu...
Mùa cưới, những buồng cau đẹp, những lá trầu ngon lại được tìm mua phục vụ ngày lễ trăm năm của các đôi uyên ương. Cho dù nhiều năm nữa, rất có thể nước mình chẳng còn một ai “tiêu sầu bằng thú nhai trầu” (6 chữ này là từ sách của người xưa), nhưng người viết bài này vẫn tin tưởng rằng, trầu cau vẫn mãi mãi là lễ vật không thể thiếu trong các đám cưới hỏi. Ở trước mỗi căn nhà vùng thôn quê, mãi mãi vẫn có những hàng cau sai buồng, những khóm trầu vẫn mướt lá, để đĩa cau trầu têm cánh phượng vẫn được dâng lên tổ tiên những ngày giỗ, tết.
Vũ Lân
Nguồn
Bình luận (0)