Với trách nhiệm, lòng biết ơn và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người đã hy sinh xương máu cho độc lập hôm nay !
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những mất mát, hy sinh vẫn hiện hữu trên khắp dãy đất hình chữ S này. Để có được hòa bình, độc lập hôm nay, đã biết bao người bà, người mẹ tiễn đưa người thân lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng và không hẹn ngày trở lại.
Ông Võ Văn Đăng, thương binh 1/4 ở ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, luôn thấy tự hào vì đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1966, chàng trai trẻ chưa đầy 16 tuổi ấy đã theo tiếng gọi non sông, cầm súng chiến đấu đánh đuổi quân thù xâm lược, tham gia du kích ấp. Năm 1968, ông chuyển qua Đội phòng thủ huyện Phụng Hiệp. Đến 1970, chuyển về làm giao liên ở xã Tân Phước Hưng.
Với nhiệm vụ này, ông không ít lần chạm trán với kẻ thù, song với sự nhanh nhẹn, khôn khéo, ông đã nhiều lần qua mặt quân địch, chuyển thư thành công. Ông Đăng kể: “Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi giấu thư thật kỹ, nếu bị quân địch phát hiện sẽ nuốt vào bụng, nhất quyết không để lộ bí mật”.
Để chuyển thư, mùa nắng đi bộ, mùa nước đi xuồng, lương thực thiếu thốn nhiều lần phải ăn chuối thay cơm. Năm 1972, trong một lần chống càn, ông bị thương với 6 miếng miểng đâm vào đầu. Sau 6 tháng điều trị, vết thương dần hồi phục, ông tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày giải phóng. Đến nay, trong đầu ông vẫn còn 1 miếng miểng chưa được lấy ra.
Còn ông Phan Hữu Hiệp, thương binh 1/4 ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, vẫn luôn nhớ mãi thời trai trẻ vinh quang, được sống và cống hiến cho dân tộc. Năm 1966, trong trận đánh đồn giặc ở Cà Nhum, ông bị trúng lựu đạn khiến hai tròng mắt văng ra tại chỗ.
Hoàn thành nghĩa vụ của người trai đối với Tổ quốc, hành trang xuất ngũ của người thương binh nặng ấy là chiếc ba lô, cùng những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời. Không còn đôi mắt, sức khỏe giảm nhưng đối với ông được sống trong hòa bình, tự do như ngày hôm nay là điều hạnh phúc nhất. Ông Hiệp chia sẻ: “Hồi đó, có biết sợ là gì đâu, cứ nghĩ phải làm sao đánh đuổi quân thù xâm lược, để nước nhà được thống nhất”.
Với Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Giỏi, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, dù chiến tranh dần lùi xa nhưng vết thương lòng của người vợ, người mẹ có chồng, con hy sinh vẫn hiện hữu.
Ông Nguyễn Văn Minh, chồng mẹ Giỏi tham gia công tác binh vận của xã Hỏa Lựu. Năm 1968, ông Minh và một người đồng đội bị giặc bắt, xử bắn ngay sau đó. Cha hy sinh, con trai lớn của mẹ – Nguyễn Quốc Nhường đang tham gia Tiểu đoàn Tây Đô xin chuyển về địa phương, vừa phục vụ chiến đấu, vừa thăm nom mẹ, lo cho đàn em thơ. Năm 1972 trong trận đánh đồn địch, anh hy sinh, khi tròn 20 tuổi. Mẹ bảo rằng: “Mất đi người thân yêu ai cũng đau lòng, nhưng mẹ rất hãnh diện vì chồng và con của mẹ đã cống hiến thân mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Còn Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tơ, ở khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh, có chồng và người em trai hy sinh cho cách mạng. Chồng của mẹ – liệt sĩ Võ Văn Đạt tham gia Tiểu đoàn Tây Đô, vào tháng 6 – 1968 ông hy sinh. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì tháng 8 năm đó, người em trai Trần Văn Triệu của mẹ cũng mãi mãi ra đi trong trận đánh với kẻ thù ở lộ Vòng Cung. Thêm một lần nữa mẹ Tơ phải chịu nỗi đau xé lòng…
Thắp nén hương lên bàn thờ liệt sĩ Trần Văn Triệu, mẹ Tơ xúc động: “Tính đến nay, thằng Triệu hy sinh đã 56 năm rồi, gia đình cũng tìm kiếm nhiều chỗ, nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt. Đây là nỗi trăn trở của mẹ những năm tháng cuối đời, mong sao đưa được em trai về với đất của gia đình”.
Nỗi lòng của mẹ Tơ cũng là nỗi đau của biết bao gia đình, vì chưa tìm được phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ, người thân mình… Chính điều này đã thôi thúc các ngành, các cấp, địa phương bằng mọi cách kiếm tìm để đưa liệt sĩ trở về.
Trong 10 năm (2013-2023), Ban Chỉ đạo 515 tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm, quy tập được 46 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và tổ chức Lễ truy điệu, cải táng trang nghiêm, trân trọng. Phối hợp với Đội K90 Quân khu 9 tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh những khu vực khó khăn, trọng điểm còn sót mộ liệt sĩ, với phương châm “ở đâu có thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ thì tiến hành xác minh, quy tập ngay”.
Thế hệ hôm nay luôn hiểu rằng không có gì có thể đền đáp được công lao to lớn của các mẹ, những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh – những người đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi được Tổ quốc ghi nhớ, tri ân.
CẨM LÌNH, đồ họa: BẢO NAM, LÊ HƯƠNG, HOÀNG NGUYÊN
Bài 2: Thắm đượm truyền thống Hậu Giang
Nguồn: https://www.baohaugiang.com.vn/xa-hoi/nhung-cong-hien-hy-sinh-tac-thanh-dong-to-quoc-134397.html