Dù vậy, ông không trống vắng, càng chẳng lẻ loi, cả khi rời cơ quan về nhà. Đường xa, qua cầu lắt lẻo nhưng đám thuộc cấp thường lẽo đẽo tìm về quê sếp vào ngày nghỉ. Họ câu cá, bắn chim hay bẫy nhong trên những động cát rồi hể hả thưởng thức thành quả. Khi trà dư tửu hậu, cả đám lại mở máy hát karaoke, chơi bài hay hào hứng luận bàn thế sự. Ngoài công sở, niềm vui của ông dường như gói gọn trong khuôn viên rợp bóng cây, giới hạn với xung quanh bằng lưới B40 cao quá đầu người.

Ông không quan tâm lịch gieo sạ hay giống lúa sẽ đưa vào vụ mới, hoặc dưa gang đắt như tôm tươi nhưng đậu phộng rẻ rề… như người ở đây. Ở quê, nhưng ông hình như chưa một lần xỏ chân xuống ruộng bùn trước ngõ. Chuyện vui rôm rả của những người làm đồng ngồi nghỉ dưới bóng lộc vừng sát bên rào cũng chẳng kéo được ông lại gần. Ông còn chẳng biết tên nhiều người trong xóm. Đã thế, láng giềng với ông, có khoảng cách mong manh nhưng xa thẳm.

Như bù cho chồng, vợ ông hòa nhập xung quanh. Bà biết cụ kia sắp đi mổ mắt, nhà nọ chuẩn bị lễ đính hôn cho con, đến bà cuối xóm vừa bán heo hay cô kia bị chồng bạo hành nên về nhà mẹ đẻ… Khi các con đã ra riêng, việc đồng áng giảm bớt, bà càng hay qua lại chòm xóm. Người mắc xương cá liền nhăn nhó chạy đến, đưa cổ nhờ bà cào vuốt vì ngày chào đời, bà “ra ngược”. Kẻ bị kiết lỵ liền nhờ bà bứt cho nắm lá làm thuốc. Cần đồng bạc trắng cạo gió, người ta cũng gọi cửa lúc nửa đêm… Bà chẳng lấy thế làm phiền, luôn sẵn lòng làm theo lời khẩn thiết.          

Ông hay cau có về sự “la cà” của bà, “ngồi mọc rễ nhà người ta”, lại cảnh báo: “Cứ lắm chuyện rồi đôi chối, chửi nhau có ngày”. Bà xua tay rồi cho hay: “Cụ ở đầu xóm suốt ngày thui thủi một mình, thấy hàng xóm mừng như khách quý, cứ giữ lại nói chuyện”. Lúc khác về trễ vì: “Cô kia bị xe đụng gãy giò, nhờ ra chợ mua đồ”. Có khi bà mải gói bánh giúp cho những nhà có đám đến quên về nấu cơm cho chồng khiến ông cáu gắt.

Ông về hưu, cảm thấy những lúc bà vắng nhà dài ra. Chứng thần kinh tọa lâu năm trỗi dậy khiến ông chẳng thể đi xa. Ngồi nhà, nỗi cô đơn đặc lại và sự trống vắng lan ra. Ông thường đứng trên hiên nhìn người ra đồng hay đi chợ trên con đường trước nhà như nhìn trên ti-vi, đơn phương và lặng lẽ. Người đi thì nhìn thẳng, không ngoảnh sang, càng không chào hỏi. Lắm lúc ông hóng hớt chuyện của mấy bà đang dặm lúa trước ngõ, ước được nói cười hồn nhiên như họ. Lúc khác, ông lò dò lại bên hàng rào, đứng sau dậu thiên lý, nhìn mấy ông tụ tập uống trà nhà bên cạnh, muốn qua nhưng ngần ngại níu chân lại. Ông ngóng cô đưa thư báo mỗi ngày, chờ cả tiếng chuông điện thoại.

Vào bệnh viện, nỗi cô đơn nhân lên, sự tương phản khiến ông nẫu ruột. Phòng có ba giường bệnh, nhưng hai ông kia (cùng là cán bộ về hưu) có người vô ra thăm luôn, ông thì chỉ bà đáo qua rồi vội về với gà heo, mèo chó, con cháu lại ở xa. Đồng nghiệp cũ hẳn có những mối quan tâm mới, có sếp mới để yêu chiều nâng giấc, hơi đâu nhớ người cũ. Bà con láng giềng có lẽ do quý bà mà góp tiền gửi làm quà cho ông, nhưng ông chỉ ước được người tới thăm. Ông bần thần, nhớ những lần từ chối khi bà rủ cùng vô viện thăm người ốm.

Cũng trong buồng bệnh ấy, đã có sự khác biệt đến chạnh lòng. Vợ con của hai ông nằm cạnh vô thăm lại mang bớt đồ ăn thức uống (được người ta cho) về, vì cái tủ dành cho bệnh nhân quá nhỏ. Cạnh đầu giường ông thì chỉ có chai nước suối, mấy hộp sữa cùng nải chuối để lâu đã thâm màu, mềm nhũn. Nhị vị cùng phòng mời ăn bánh và uống nước cam, ông bối rối từ chối, mặc cảm bởi thấy như bị thương hại.

Người thân của hai vị vào thăm quên cả thời gian. Người được thăm phải nhắc khéo “lo mà về, đường xa đấy”, nhưng khách năn nỉ: “Chơi thêm chút nữa”. Lúc ấy, ông cảm thấy lạc lõng trong tiếng nói cười xung quanh, bèn bước ra ban công nhìn xuống lối vào cổng bệnh viện. Ở đó, người ta vào thăm bệnh nhân thành từng đoàn. Ông nhìn bâng quơ, nén tiếng thở dài, biết chắc trong đám đông kia không có người thân của mình. Chẳng cứ thân quen, chỉ một bóng dáng từng thoáng qua đâu đó bỗng hiện ra lúc này cũng đủ cho ông ấm lòng.

Người nằm đối diện với ông được một cậu cao to đẹp trai đến thăm mỗi ngày, có hôm cậu đón con rồi cùng đưa tới bệnh viện. Ông lấy làm lạ khi cậu nhất nhất xưng “con” và kêu người kia “thủ trưởng”. Ông ấy bỗ bã gạt đi: “Tao đã “siêu thoát” thành dân rồi, thủ trưởng gì nữa mày!?”. Chàng trai cười hì hì, đưa tay ôm bờ vai gầy sau làn áo bệnh nhân trắng nhợt.

Hôm cậu đến đúng lúc người thân đang trong phòng vật lý trị liệu, ông bắt chuyện và biết, cậu từng làm công vụ cho ông kia – nguyên là phó tư lệnh quân khu. Ngoài nhiệm vụ phục vụ, ông ấy yêu cầu cậu đến trung tâm luyện thi, với mục tiêu “ra quân thi đậu đại học”. Sau ngày xuất ngũ, cậu đã đậu đại học theo đúng chỉ đạo, khi lên thành phố nhập trường, tìm tới thăm thủ trưởng cũ. Biết nhà cậu nghèo, không tìm được chỗ trọ, người thủ trưởng bảo tới ở cùng. Vậy là chàng sinh viên được ở nhà công vụ dành cho phó tư lệnh quân khu để đi học, được bao cả ăn uống.

Ông thêm một lần âm thầm tủi hổ khi thấy ông nằm giường trong góc phòng cầm điện thoại hướng dẫn bà con chòm xóm đi tới bệnh viện. Thoạt đầu, ông ấy từ chối đây đẩy: “Xa quá, thôi đi”. “Để bữa nào tôi về, ta gặp nhau cũng được”. Nhưng khi biết bà con đã thuê xe đi rồi, ông ấy bèn miễn cưỡng chỉ đường rồi ngồi lặng, tặc lưỡi, day dứt giữa trời: “Khổ quá, đi về cả trăm cây số, chứ ít đâu”. Ông giật mình khi vị cựu phó tư lệnh quân khu tươi cười, cộng hưởng niềm vui với ông kia: “Sướng nhé! Đâu phải quan chức về hưu nào cũng được bà con láng giềng lặn lội tới thăm”.

Ông ra viện, về nhà đúng hôm ông hàng xóm qua mời đám giỗ. Chủ nhà giữ khách lại chơi, chuyện trò từ lúc nắng lui dần ra mé sân rồi co lại thành khối hồng phía chân trời. Chuyện lan man từ thuở cởi truồng tắm mưa, bắt chuồn chuồn cắn rún khi tập bơi đến các trò chơi đã thất truyền, cả chuyện đào ếch tháng ba, bắt cá mùa lụt rồi các món ăn dân dã nay đã thành đặc sản… Khách thân tình nắm tay chủ nhà lúc ra về: “Hóa ra ông cũng giống bọn tui. Lúc trước, nhìn ông đạo mạo, tưởng khác…”. Ông tươi cười tiễn khách ra tận ngõ.

Bà ngạc nhiên: “Sao ông vui thế?”. Niềm vui vẫn ngời trên nét mặt, ông hạ giọng: “Bởi được thấu hiểu, sẻ chia”. Bà thoáng ngỡ ngàng, giọng khẽ nhẹ vun theo lời chồng: “Khi mình giang tay thì người khác sẽ mở lòng mà ông”.

Cả hai ngồi lặng lúc lâu, nhìn đồng lúa phía trước đang sẫm màu trong hoàng hôn. Chồng bất chợt quay qua vợ, hỏi khẽ: “Mai nhà bên kia có giỗ, bà không qua gói bánh giùm à?”. Bà tươi cười: “Gói lúc sáng rồi”.

Mấy bữa sau, bà lại vui khi thấy chồng dậy sớm pha cà phê rồi ngồi chờ mấy ông trong xóm.

Nguyễn Trọng Hoạt