Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Trà My (bìa trái) giới thiệu sản phẩm từ thiên nhiên đến khách hàng

Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nêu rõ: Có hơn 1.500 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và 25 phụ nữ đã đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Đồng nghĩa, có rất nhiều hoạt động bổ trợ để phụ nữ tự tin và mạnh dạn bắt tay vào khởi nghiệp. Gần 400 hoạt động tập huấn đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng xã hội. 520 lượt phụ nữ là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh được hướng dẫn thiết lập và vận hành doanh nghiệp, quản lý tài chính an toàn, chiến lược mở rộng thị trường… Từ đó, nhiều chị được lựa chọn tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn nâng cao do các dự án quốc tế tài trợ.

Từ khởi nghiệp, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được khẳng định. Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận, phụ nữ tham gia khởi nghiệp, nhất là thành lập doanh nghiệp vẫn còn không ít rào cản. Tại các diễn đàn khởi nghiệp, nhiều ý kiến bày tỏ, nữ giới gặp khó khăn về mặt tài chính do bị hạn chế tiếp cận các khoản vay hay hỗ trợ. Thông thường các chị không sở hữu tài sản trên chính danh nghĩa của họ, nên dễ bị ngân hàng từ chối cho vay vốn. Thậm chí, nhiều tổ chức tài chính vẫn còn nghi ngờ về khả năng kinh doanh của nữ giới và không khuyến khích họ vay vốn khởi nghiệp.

Ngay chính doanh nghiệp nữ vẫn sợ vay mượn, ngại không trả được nợ khiến cơ hội khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, để tiết giảm kinh phí, họ thường làm mọi việc như tìm kiếm nhà cung cấp uy tín, cân đối tài chính, vận chuyển, chăm sóc khách hàng, hay làm tiếp thị, chạy quảng cáo, nhân sự, quản lý… Bà Trương Thị Huyền, Giám đốc HTM Macrame Factory Trade Production LTD cho biết: Năm 2022, tôi chính thức khởi nghiệp với Macrame. Ban đầu, tôi không có vốn nên tự tìm nhân sự, vừa đào tạo, vừa giám sát sản xuất, vừa tiếp tục quảng bá sản phẩm để tìm kiếm đầu ra…

Khó khăn về vốn đã đành, nhưng thách thức lớn nhất khiến phụ nữ e ngại khởi nghiệp chính là sự thiếu hụt về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng. Không ít doanh nghiệp còn hạn chế về  quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh. Do ít biết thông tin về cơ chế hỗ trợ và quy trình phát triển kinh doanh nói chung nên đã ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và quản lý công việc hàng ngày. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhiều chị không sử dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Ngay việc bảo hộ trí tuệ, đăng ký thương hiệu và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng bị xem nhẹ nên khả năng cạnh tranh không cao.

Vẫn biết phụ nữ thường chịu áp lực  để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống. Song, chính điều này khiến khởi sự doanh nghiệp của họ gặp nhiều thách thức. Các chị không còn nhiều thời gian hoặc e ngại tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp, từ đó khó phát huy hết được tiềm năng của bản thân. “Tất nhiên doanh nghiệp nữ sẽ đối mặt với nhiều cái khó về vốn, tiêu thu sản phẩm, quản trị… nhưng khó nhất vẫn là cân đối giữa gia đình và công việc. Vì hầu như thời gian đầu chúng tôi phải tập trung cho công việc, ít có thời gian dành cho gia đình”, bà Huyền chia sẻ.

“Vẫn cần sự tiếp sức bền bỉ của các ngành liên quan để doanh nghiệp nữ tiếp tục tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng nhãn mác và bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tất nhiên, những người khởi nghiệp cũng cần học thêm về quản lý tài chính cá nhân, sử dụng các nền tảng ứng dụng quản lý tài chính và có thêm khoản dự phòng. Điều này giúp người khởi nghiệp tránh được các rủi ro phải huy động thêm vốn và dễ vỡ kế hoạch”, bà Thanh cho biết thêm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN