“Hôm qua dừng chân ở Trạm Sương hình như tôi nhìn thấy Nhiên ở đó”. Cậu bạn gọi điện hỏi chuyện công việc, tiện thòng thêm một câu như vậy đâu biết đã kích hoạt cuộc kiếm tìm của Duẩn. Suốt ba năm nay đã có lúc Duẩn mệt nhoài với cuộc kiếm tìm này. Anh nghĩ phải chăng Nhiên đang chơi trốn tìm khi thỉnh thoảng lại lộ ra ở đâu đó một vài dấu vết. Những dấu vết mơ hồ nhưng trong con mắt kẻ si tình sẽ nhận ra nó dính dáng đến Nhiên. Như lúc lướt facebook thấy ảnh bạn đi du lịch chụp căn nhà nhỏ ở một phố núi nào đó, ngoài hiên phơi bộ váy hoa của trẻ con Duẩn chắc rằng có Nhiên ở đó. Đơn giản vì hôm bỏ đi, cô ấy dắt theo bé Bống mặc bộ váy hoa y như thế. Bạn anh cười bảo, quần áo mua trên mạng mỗi mẫu sản xuất cả ngàn cái thì thiếu gì người mặc, tìm thế chẳng khác gì mò kim đáy biển. Lần khác vô tình lướt tiktok thấy người ta quay chuyến tàu hỏa rời ga, cửa sổ tàu hiện ra góc nghiêng một phần tư khuôn mặt người phụ nữ. Chỉ vài giây ngắn ngủi đủ khiến Duẩn khuấy tìm điên đảo các sân ga. Cho đến khi Duẩn nhận ra chỉ là mình đang đi tìm bóng chim tăm cá thì trên chiếc khăn Nhiên bỏ lại mùi hương quen thuộc cũng phai rồi.
Sáu năm trước, Nhiên dắt một bé gái ba tuổi đến gõ cửa thuê phòng trong một đêm mưa gió. Chiếc biển “cho thuê phòng” gió quật rơi xuống đất, bám đầy bụi bặm. Chiếc ô mỏng manh trên tay Nhiên gió rình rập thốc ngược lên liên tục. Đứa nhỏ dù được che đậy vẫn bị ướt, ngước đôi mắt to tròn nhìn Duẩn. Trên đôi tay bé nhỏ run lên vì lạnh vẫn ôm ghì con gấu bông màu xám. Duẩn mở cửa căn phòng trọ cuối cùng nằm sâu cuối dãy cho mẹ con Nhiên. Người thuê trọ cũ vừa mới chuyển đi còn chưa kịp dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng. Duẩn bảo: “Bật nước ấm hai mẹ con tắm đi không cảm. Nhà cửa dọn sau, thiếu thứ gì cứ gọi”. Đêm ấy đứa nhỏ sốt, Nhiên gõ cửa hỏi anh có liều thuốc hạ sốt nào không? Đứa nhỏ tỉnh dậy sau cơn sốt nhìn bát mì tôm trên bàn nuốt nước bọt. Duẩn lục từ trong túi áo của mình một cây kẹo mút còn sót lại trong nhà từ tết. Mẹ con Nhiên đến khiến cuộc sống độc thân của Duẩn thêm bận rộn.
Duẩn là họa sĩ, có một xưởng vẽ nhỏ tại nhà. Anh sống với mẹ già, ngày ngày bà chỉ thích muối dưa và nói chuyện với mèo. Thỉnh thoảng bà than nhà buồn quá giá thêm con thêm cháu sẽ vui. Dù nhà có hẳn hai dãy trọ cho thuê nhưng họ đều bận rộn. Họ đi làm suốt ngày, về nhà khi tối muộn, chui tọt vào phòng đóng kín cửa nghỉ ngơi chẳng thiết chuyện trò. Từ ngày mẹ con Nhiên về bà cụ vui hẳn. Thỉnh thoảng, Nhiên lại gửi bé Bống nhờ bà cụ trông giúp để đi đâu đó đến tối mịt mới về. Công việc của Nhiên là viết content, biên tập, tư vấn hỗ trợ xuất bản và nhận các dự án chấp bút sách. Những lúc rời mắt khỏi màn hình máy tính, Nhiên hay ngồi rủ rỉ cùng bà cụ đủ thứ chuyện trên đời. Có khi ngồi xâu kim khâu hộ những bộ quần áo tuột chỉ của mẹ con Duẩn. Có khi cô ngồi phụ bà cắt rau dưa, nói chuyện về làng quê, khơi đúng mạch nhớ nhung của một người già. Có khi bắc cái ghế, Nhiên ngồi nhuộm tóc cho bà cụ, khối người trêu “cứ tưởng con dâu”. Nhiên bẽn lẽn cười, cô đâu biết ở cửa sổ xưởng vẽ có một đôi mắt luôn lén nhìn mình.
Bé Bống thích mê con mèo nên quanh quẩn chơi với nó cả ngày không biết chán. Bà cụ hay chờ gánh hàng rong đi qua, dùng những đồng tiền lẻ bán dưa để mua quà cho Bống. Thỉnh thoảng con bé thập thò xưởng vẽ, Duẩn cho nó tờ giấy trắng và hộp bút màu là ngồi ngoan cả buổi. Duẩn để ý thấy dạo này đi chợ, mẹ mình mua thứ gì cũng nhiều hơn. Mấy chiếc nồi cỡ nhỡ cất trong tủ đã lâu được lôi ra thay cho bộ nồi nhỏ vẫn nấu đủ hai mẹ con ăn. Thỉnh thoảng bà sai Duẩn bưng sang cho mẹ con Nhiên bát canh chua, đĩa cá kho hoặc mấy bắp ngô vừa vớt ra nóng hổi. Có hôm bà cụ thủng thẳng buông mấy câu vờ như nói một mình nhưng cốt để cho ai kia nghe thấy. “Giá mà ăn một mâm thì đỡ phải bưng qua bưng lại”. Duẩn nghe chỉ biết cười trách mẹ rằng người ta về đây chưa đến một năm biết lòng dạ nông sâu thế nào mà đã nhận vơ nhận với. “Gì chứ, về cái khoản nhìn người thì anh còn lâu mới bằng bà già này nhé”. Nhưng bà cụ cũng đâu có nhìn thấy tâm tư của Nhiên. Cô đến thành phố này thật ra không có ý định gắn bó lâu dài. Nếu tìm không được người cô sẽ lại dẫn đứa nhỏ rời đi. Như con thuyền nhổ neo tìm bờ bến khác.
– Mà thật ra cô ấy đi tìm ai mới được?
– À thì… cô ấy đi tìm bố của con mình.
Bà cụ nói thế, thẫn thờ nhìn bức tranh vẽ con mèo mà bé Bống để lại tặng mình. Bà lẩm bẩm hoài sao không để con bé ăn nốt cốc tào phớ rồi đi? Sao phải vội vàng lôi con nhỏ đi như chạy nợ không bằng. Thì đúng là chạy nợ còn gì. Không nợ tiền nợ bạc, nhưng Nhiên thấy mình mắc nợ ân tình. Nợ sự chu đáo, mong đợi của một người già. Nợ ước mơ về một mái ấm gia đình mà Duẩn từng có lần nói bóng gió xa gần với cô. Hôm ngó vào xưởng vẽ, Nhiên bắt gặp Duẩn đang ngồi bất động trước bức tranh dang dở. Cô nhận ra người phụ nữ trong tranh không ai khác, chính là mình. Thành phố này không phải là nơi đầu tiên, cũng không phải là mảnh đất cuối cùng mẹ con Nhiên sống. Cô chẳng muốn gây nhung nhớ, tơ vương làm khổ một ai. Lúc lôi con rời đi, có một nỗi xót xa tiếc nuối nào đó khẽ dâng lên trong tim Nhiên. Nhiên tự hỏi cô trốn Duẩn hay là đang chạy trốn chính mình? Có thật là cô không có gì để lưu luyến chốn này?
***
Theo lời bạn kể cứ đi dọc Quốc lộ 6, Trạm Sương sẽ hiện ra trên đường đèo Đá Trắng. Đó là một nhà hàng dành cho khách du lịch nghỉ chân. Manh mối chỉ có vậy, không hơn. Có thể người mà bạn gặp đúng là Nhiên. Có thể Trạm Sương chỉ là chốn nghỉ chân ngắn ngủi. Khi anh tìm đến nơi chắc Nhiên đã rời đi không để lại chút dấu vết nào. Biết đâu ngay cả người chủ Trạm nghĩ ngợi mãi cũng không nhớ nổi có một cô gái nào tóc dài ngang vai, có má lúm đồng tiền, dắt theo một đứa nhỏ chừng hơn tám tuổi. Cũng phải, biết đâu Nhiên đã cắt tóc ngắn. Biết đâu khi ngồi ở Trạm, cô ấy không nở nụ cười nào thì làm sao thấy má lúm đồng tiền. Biết đâu bé Bống giờ đã lớn phổng phao như một thiếu nữ rồi. Mẹ Duẩn mỗi lần thấy con đóng xưởng vẽ để chuẩn bị cho một chuyến đi, bà hay để lên xe một vài nắm kẹo. “Nếu gặp Bống nhớ đưa cho nó. Trẻ con, có đứa nào mà không thích kẹo”. Dần dần khay để đồ trên xe đã đầy kẹo mà Bống của bà cụ vẫn chưa tìm thấy.
Xe chạy vụt qua Duẩn mới kịp nhận ra Trạm Sương nằm lặng lẽ bên đường. Không rực rỡ phô trương, Trạm như một cô gái thổ dân ngồi bên dốc đá. Lưng quay ra đường, mặt hướng vào núi, dưới thung lũng dâng lên tầng tầng mây trắng. Duẩn bước vào Trạm, có một cảm giác thân thuộc khó thể diễn tả bằng lời. Khi cánh cửa đóng lại, mọi ồn ào ngoài con đường quốc lộ đã bị ngăn lại, một thế giới cách biệt hiện ra. Trên quầy lễ tân, một bình hoa chuối rừng như gom đất trời mà đỏ. Trạm không mở nhạc, nhưng mọi thứ âm thanh tự nhiên ở đây đều khiến anh dễ chịu. Em nhân viên bước ra nhỏ nhẹ hỏi:
– Anh cần gì ạ?
– Tôi cần tìm người.
– Tìm người?
– Phải! Nhưng trước tiên cho tôi một tách cà phê phin.
– Cà phê sẽ có ngay, nhưng anh cần tìm ai?
– Người phụ nữ hơn ba mươi tuổi, có má lúm đồng tiền. Cô ấy dắt theo một bé gái 8 tuổi tên là Bống.
Cô nhân viên ngẩn người rồi tủm tỉm cười, không nói thêm câu gì, lặng lẽ đi vào phía bên trong. Tiếng chuông gió không làm con mèo nhỏ giật mình. Nó thảnh thơi nằm ngủ trên chiếc váy thổ cẩm trên bàn. Phía ngoài mây bồng lên cao phủ mờ cả những chiếc ghế ngoài ban công. Cô nhân viên đi ra, lịch sự đặt một cốc trà hoa cúc trước mặt anh.
– Anh gọi cà phê mà.
– Anh đau dạ dày không nên uống cà phê. Trà hoa cúc pha chút mật ong có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, chống co thắt dạ dày.
Duẩn ngẩng mặt nhìn như dò hỏi, có phải là cô ấy ở đây? Nhiên cũng từng nói vậy khi nhiều lần nhìn thấy tách cà phê anh pha để bên cửa sổ xưởng vẽ. Bởi cô từng nghe bà cụ than cậu con trai bị bệnh dạ dày mà không chịu ăn ngủ đúng giờ. Có lần Nhiên mang về gói trà hoa cúc nói anh thử đổi sang uống thứ này xem sao, biết đâu lại thích. Anh từng nghĩ mấy thứ trà hoa đó chỉ hợp với chị em phụ nữ chứ làm sao có thể giúp mình thăng hoa cảm xúc. Cho đến khi mẹ con Nhiên rời đi, anh mới pha một cốc trà hoa cúc cho mình.
Có một người phụ nữ lén nhìn Duẩn từ phía sau. Vẫn cái dáng gầy gò, ăn mặc đơn giản, kiểu ngồi cúi mặt như mải đăm chiêu suy nghĩ điều gì. Tấm lưng kia từng nhiều lần cúi xuống đeo dép giúp Bống, sửa vài món đồ hỏng trong phòng trọ. Bàn tay ấy từng nhiều lần dạy Bống làm bạn với sắc màu, sờ lên vầng trán sốt nóng bỏng của con, rụt rè chìa cho Nhiên món quà vặt anh mua đâu đó ven đường. Có những thứ bình dị, giản đơn chỉ khi xa rồi mới nhận ra ấm áp và đáng quý. Nhiên đã mải mê đi tìm thứ không thuộc về mình. Cho đến khi chị nhận ra người thương mình thật sự. Đó là khi giữa cơn sốt Bống mê man gọi tên Duẩn. Là lúc ngồi trên toa tàu hỏa thấy mọi thứ đang vùn vụt trôi đi, Bống thẫn thờ ngắm viên đá cuội vẽ hình mặt cười mà Duẩn tặng hôm nào. Là chính giây phút Bống hỏi: “Bao giờ thì mẹ con mình quay lại căn nhà cũ? Không biết giờ này bà đang làm gì mẹ nhỉ? Bác Duẩn có còn nhớ con không?”. Nhiên đã ngộ ra rằng con bé không cần một người bố đã bỏ rơi nó từ trong bụng mẹ.
Duẩn đâu biết Nhiên vẫn dõi theo anh qua những dòng trạng thái hay vài bức ảnh hiếm hoi đăng trên facebook. Duẩn cũng không biết rằng hôm bạn anh nghỉ chân ở Trạm Sương, Nhiên cố tình để lộ ra dấu vết bởi biết thể nào người thương cũng đi tìm. Chỗ Duẩn ngồi chỉ cần nhìn lên trên sẽ nhận ra nét vẽ quen thuộc trên bức tranh mới được treo lên. Bống vẽ một gia đình bốn người quây quần trên mảnh sân nhỏ, chỗ bà cụ hay ngồi nhóm bếp than tổ ong kho cá. Con mèo mướp nằm cuộn tròn trong bọc Bống. Bống nói tất cả những nơi từng dừng chân, nó đều sẽ để lại một bức tranh của mình. Để lỡ Duẩn có đi tìm sẽ biết cách lần theo dấu vết…
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/tram-suong-146611.html