Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, lúc 12 giờ ngày 12/9, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hưng Yên ở mức 7,45m, tuy đã giảm 5cm so với lúc 4 giờ cùng ngày nhưng vẫn trên báo động III là 45cm; mực nước sông Luộc tại trạm thủy văn La Tiến ở mức 4,7m, giảm 40cm so với 15 giờ ngày 11/9, bằng mức báo động II. Tuy nhiên, đến 16 giờ ngày 12/9, nước trên sông Luộc qua phận bàn tỉnh lại có chiều hướng dâng trở lại. Trong ngày 12/9, mưa đã ngớt nhưng do mưa lớn xảy ra trong ngày 11/9 đã gây ngập úng hầu hết các diện tích nông nghiệp trong tỉnh.
Trước tình hình trên, trong ngày 12/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục đi kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng chức năng và Nhân dân trong tỉnh tham gia ứng phó với tình hình ngập lụt. Huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ di dời người dân và tài sản trong vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ đến nơi an toàn. Bảo đảm công tác hậu cần, nơi ở, lương thực, thực phẩm cho người dân phải di dời. Tiếp tục rà soát các tuyến đê, kịp thời phát hiện các điểm xung yếu để xử lý, bố trí lực lượng tuần tra canh gác đê 24/24 giờ. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân.
Theo báo cáo của thành phố Hưng Yên, do ảnh hưởng của bão số 3 và ngập lụt do nước sông Hồng, sông Luộc dâng cao, đến chiều ngày 12/9, toàn thành phố có 130 héc-ta rau màu bị thiệt hại; hơn 500 héc-ta chuối bị gãy, đổ, ngập sâu; hơn 100 héc-ta cây hằng năm bị thiệt hại; hơn 200 héc-ta cây lâu năm bị ngập sâu; hơn 2 nghìn cây bóng mát bị gãy, đổ; 225 trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng… Do ảnh hưởng của ngập lụt nặng nề ở các xã vùng bãi, toàn thành phố đã có hơn 2 nghìn người phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Để phòng ngừa ngập lụt, 3 cửa khẩu trên địa bàn thành phố gồm: Nam Tiến, Dốc Đá, Dốc Lã đã được hoành triệt (đóng cửa khẩu để ngăn nước tràn) kịp thời.
Để hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả của bão số 3 và phòng, chống lũ, lụt sau bão, các hội, đoàn thể của thành phố đã chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, đồng thời tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Trong đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố đã lên kế hoạch thông báo kêu gọi MTTQ các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ Nhân dân khu vực ngoài bãi sông Hồng, sông Luộc phòng, chống nước lên cao. Hội LHPN thành phố tổ chức thu gom, “giải cứu” nông sản cho người dân; các hội, đoàn thể của thành phố tổ chức quyên góp phát nhu, yếu phẩm, cơm hộp, tặng thuyền tôn và áo phao cho người dân ở vùng bị ngập sâu, người dân phải di dời…
Tại huyện Văn Giang, thực hiện công điện của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về việc ngừng bơm tiêu nước vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, huyện đã tạm dừng hoạt động 2 trạm bơm là Đa Ngưu và Văn Giang; duy trì hoạt động trạm bơm Liên Nghĩa bơm nước tiêu úng khu vực trong đê ra ngoài sông Hồng. Mặc dù huyện và các địa phương đã chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ nhưng do nước lũ dâng nhanh đã nhấn chìm toàn bộ diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của các xã: Phụng Công, Xuân Quan, Liên Nghĩa và một phần diện tích nông nghiệp của các xã: Thắng Lợi, Mễ Sở. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, đến nay, huyện đã di dời tổng số 14 hộ với 23 nhân khẩu ở xã Thắng Lợi và xã Xuân Quan đến nơi an toàn; tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ Nhân dân di dời tài sản; các xã, thị trấn tăng cường huy động máy bơm dã chiến, máy xúc, xe ô tô tải, quang gánh, cuốc, xẻng trong dân và Nhân dân đắp bờ, gia cố hệ thống bờ vùng, bối chống tràn…
Theo báo cáo của huyện Khoái Châu, từ ngày 9 đến 12/9, mưa lớn kèm nước sông dâng cao đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hơn 8,7 nghìn hộ dân sinh sống khu vực ngoài đê sông Hồng, gây ngập úng cục bộ hơn 3,9 nghìn héc-ta cây trồng… Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với mưa lớn và nước dâng cao; yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc canh gác đê theo cấp báo động; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương; tuần tra phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều… Trong đó, đã kịp thời xử lý sự cố nước sông Hồng dâng cao tràn qua bối xã Bình Minh vào diện tích ao và đất sản xuất nông nghiệp của khu vực cụm 7, thôn Đa Hòa, xã Bình Minh; kịp thời xử lý sự cố thẩm lậu mái chân đê phía đồng tại xã Dạ Trạch và sự cố sạt lở, sạt trượt đê bối tại xã Đông Ninh; hỗ trợ sơ tán hơn 2,1 nghìn người dân tại các xã: Bình Minh, Đông Kết, Tứ Dân, Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập sinh sống ngoài đê đến nơi an toàn.
Đến 11 giờ ngày 12/9, ở huyện Tiên Lữ có 92 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, ảnh hưởng một phần; 1.822 cây xanh bị gãy đổ; 233 chuồng trại chăn nuôi bị hỏng; tốc mái 3 trường mầm non; gẫy đổ 7 cột điện; gần 223 héc-ta lúa bị đổ rạp; 70 héc-ta rau màu, 82 héc-ta cây ăn quả và 1,6 nghìn cây hoa, cây cảnh bị gãy đổ, ngập hỏng. Về công tác di dời dân, đến 7 giờ 30 phút ngày 12/9, trên địa bàn huyện đã di dời 390 người dân của 189 hộ tại các xã ngoài đê gồm: Cương Chính, Thụy Lôi, Hải Triều, Thiện Phiến đến nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, huyện Tiên Lữ tiếp tục rà soát, kiểm tra, theo dõi các khu vực có nguy cơ bị ngập úng để chủ động có phương án, giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại tài sản, kinh tế; tiếp tục bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi tránh trú; khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Thực hiện công điện của Cục Thủy lợi, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Yên Mỹ đã tạm dừng tất cả các trạm bơm tiêu ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ trang thiết bị phục vụ vận hành bơm tiêu úng tại các trạm bơm tiêu. Từ chiều ngày 11/9, các lực lượng trong huyện tiến hành đắp bờ ngăn nước tràn vào các nhà trạm trạm bơm nhằm phòng ngừa úng ngập gây ảnh hưởng đến máy, trang thiết bị; ngăn nước tràn vào các khu dân cư. Hiện nay, mực nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa phận huyện đang xuống, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước trên các sông trục và sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, Cục Thủy lợi, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhằm điều tiết hoạt động bơm tiêu úng phù hợp, khoa học.
Hiện nay, tình hình thời tiết và mực nước ở sông Hồng, sông Luộc còn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị, trong những ngày tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần tập trung toàn bộ lực lượng để tiếp tục ứng phó với diễn biến của thời tiết và tình trạng nước sông dâng cao; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động phát quang mái đê để kịp thời phát hiện các sự cố ngay từ giờ đầu, chỉ đạo lực lượng canh gác đê thường xuyên đi kiểm tra đê theo cấp báo động; cần duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn.
Nhóm PV
Nguồn: https://baohungyen.vn/cang-minh-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-lu-ngap-ung-3175405.html