Bom nguyên tử (bom A) đầu tiên được Mỹ chế tạo với sự giúp đỡ của Anh và Canada trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là một phần của dự án Manhattan tối mật. Lúc đầu, việc chế tạo vũ khí hạt nhân là sự lo sợ Đức Quốc xã có thể chế tạo trước và tàn phá thế giới. Nhưng cuối cùng thì 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki lại là nơi đầu tiên bị tàn phá bởi bom nguyên tử. Vũ khí hạt nhân khi này và mãi sau này luôn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự và sức mạnh quốc gia.
Làm thế nào Liên Xô bị tàn phá và kiệt quệ sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại lại nhanh chóng nắm được bí mật của bom A trong thời gian ngắn kỷ lục để cân bằng vị thế chiến lược với phương Tây? Cuốn sách KGB – Hồ sơ bí mật của tác giả Vladimir Tchikov và Gary Kern được Nhà xuất bản Công an nhân dân dịch và xuất bản đã lý giải câu hỏi này. Cuốn sách hé mở những thông tin tối mật lần đầu tiên được tiết lộ của tập hồ sơ được đánh số 13676 trong kho lưu trữ của KGB – tên viết tắt Ủy ban An ninh Quốc gia, một tổ chức tình báo lừng danh của Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Một mạng lưới điệp viên được KGB kỳ công cài cắm trên đất Mỹ, được sự giúp đỡ của những nhà khoa học đang làm việc tại dự án Manhattan tuyệt mật đã chuyển về Liên Xô hàng ngàn trang tài liệu, giúp các nhà khoa học Liên Xô tiết kiệm rất lớn thời gian, hướng nghiên cứu… để đến năm 1949, quả bom A đầu tiên của Liên Xô thử thành công, làm kinh ngạc Chính phủ Anh và Mỹ. Có thể nói, đóng góp của các điệp viên ngang bằng với tài năng của các nhà khoa học Xô Viết trong dự án chế tạo bom A đầu tiên của Liên Xô.
Hồ sơ 13676 được giải mật cũng là lần đầu tiên công chúng mới biết về mặt trái của những điệp báo, những người sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, xét xử với tội danh phản quốc. Đặc biệt, người ta còn biết đến số phận mong manh của các nhà khoa học nguyên tử Liên Xô khi tham gia dự án. Đó là những trang hồ sơ cho thấy J. Stalin gọi cho Lavrenti Beria (người phụ trách an ninh quốc gia, lãnh đạo bộ máy an ninh và cảnh sát mật Liên Xô), yêu cầu ông này cho danh sách những người tham gia lỗi lạc nhất trong dự án bom nguyên tử để khen thưởng. Beria cho biết danh sách đã được lập từ lâu rồi. Stalin ngạc nhiên hỏi: “Tại sao lại từ lâu rồi?”. Beria khẳng định: “Nếu bom không nổ (dự án thất bại), chúng tôi sẽ trừng trị những người trong danh sách này”(!)
Cuốn sách KGB – Hồ sơ bí mật hiện còn nhiều đánh giá khác nhau, nhưng đó là một tài liệu tham khảo đáng để tìm đọc.
THỦY NGÂN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202408/kgb-ho-so-bi-mat-8317c34/