Sau 2 tác phẩm Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ, nhà văn Afghanistan hiện đang cư trú tại Mỹ Khaled Hosseini đã trở thành một tên tuổi được người yêu thích văn chương luôn chờ đón. Tác phẩm thứ ba của ông Và rồi núi vọng do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành đã đáp ứng những chờ mong ấy, tiếp tục chiếm trọn trái tim của độc giả.
Câu chuyện bắt đầu vào mùa thu 1952, hai anh em Abdullah và Pari sống cùng cha, mẹ kế và đứa em cùng cha Iqbal trong căn lều trát bùn ở ngôi làng nhỏ xác xơ Shadbagh. Nơi đây, đói nghèo và mùa đông khắc nghiệt luôn chực chờ cướp đi sinh mạng lũ trẻ. Abdullah yêu em gái vô cùng, bởi khi em sinh ra, mẹ của 2 đứa mất vì bị băng huyết. Pari coi anh trai như là người cha và mẹ của mình, chăm lo cho nó từng bữa ăn và giấc ngủ. Mùa thu năm ấy, hai anh em theo cha băng qua sa mạc tới thủ đô Kabul náo nhiệt. Chúng không hề biết đây là chuyến đi định mệnh, chuyến đi như câu chuyện ngụ ngôn mở đầu tiểu thuyết nói về việc phải cắt đi 1 ngón tay để cứu cả bàn tay. Để cứu gia đình, người cha phải bán Pari cho một người giàu có không con… Cuộc chia ly mãi mãi đè nặng lên tâm hồn Abdullah và để lại nỗi trống vắng mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari.
Từ sự kiện này, cuốn tiểu thuyết mở ra rất nhiều ngã rẽ phức tạp, qua nhiều thế hệ, nhiều địa điểm trên thế giới. Câu chuyện về sự lưu lạc của anh em Abdullah – Pari là trung tâm kết nối những câu chuyện đời khác. Hosseini hướng ngòi bút “về các anh chị em và về việc họ đã yêu thương, làm tổn thương, phản bội, kính trọng và hy sinh cho nhau như thế nào”. Mọi người đều có một khoảng tối riêng trong cuộc đời và nhiều người mất cả đời tự dằn vặt, dày vò vì nó, vì thế tất cả các nhân vật đều mang trong mình một sự mất mát không nói thành lời và họ dành cả đời để vật lộn lấp đi cái hố sâu thăm thẳm ấy.
Đọc hết hơn 500 trang của tiểu thuyết, với những dòng kể thoạt tiên nghĩ là các số phận riêng rẽ, có những liên kết cứ ngỡ như lỏng lẻo với nhau mới hiểu, tiếng núi vọng của Hosseini là tiếng vọng âm trầm của những giá trị vĩnh hằng, có thể bị khuất lấp nhưng không điều gì triệt tiêu được. Đó là hành trình dằng dặc chia cách của hai anh em trên cái nền đau thương của những biến cố trong lịch sử Afghanistan. Nhưng đó đâu chỉ là số phận riêng của Abdullah và Pari, nhìn ở tầm rộng hơn, đó còn là hành trình số phận của dân tộc Afghanistan, vùng đất triền miên trong chiến tranh và loạn ly.
Và rồi núi vọng là hiện thực của lòng người với bề bộn cảm xúc và thao thức trong ý nghĩ. Chính dòng cảm xúc vừa riêng tư của mỗi cá nhân, vừa đồng điệu vì mang hơi thở của thời đại mà mỗi nhân vật hiện diện đã nối kết các phần riêng rẽ trong cuốn sách. Đứng ở điểm nối kết ấy, hãy lắng lòng để nghe tiếng núi còn vọng mãi…
THỦY NGÂN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202409/tieng-vong-am-tram-cua-gia-tri-vinh-hang-3a43023/