Cách đây 50 năm, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã ra đời một đoàn nghệ thuật dân ca kịch bài chòi nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường Khu 5. Và ngày đất nước thống nhất, những nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của đoàn nghệ thuật đó đã trở thành những hạt nhân đặt nền móng cho sân khấu dân ca kịch bài chòi ở xứ Trầm Hương…
Kỷ niệm tuổi thanh xuân
Trích đoạn Thoại Khanh gặp lại Châu Tuấn do một số nghệ sĩ của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ trước đây biểu diễn. |
Mới đây, tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ, chúng tôi được xem màn biểu diễn trích đoạn Thoại Khanh gặp lại Châu Tuấn trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn. Những gương mặt nghệ sĩ được khán giả một thời ái mộ, như: NSND Phùng Thị Bình (trong vai Thoại Khanh), NSND Linh Nhâm (trong vai công chúa Tề), NSƯT Hoàng Minh Tâm (trong vai Châu Tuấn), nay đều đã ở độ tuổi U70 và cũng đã nhiều năm rời xa sân khấu. Vậy nhưng, trong buổi hội ngộ thân tình với những bạn đồng môn, đồng nghiệp của một thời hoa lửa, nhiệt huyết với sân khấu lại cháy lên để mỗi người thể hiện hết mình cho vai diễn. Sau mỗi câu hát, mỗi lớp diễn, người xem lại dành những tràng pháo tay để động viên các nghệ sĩ. “Từ năm 1984 đến nay, tôi mới lại đứng trên sân khấu để thể hiện lại vai diễn đã gắn bó với mình suốt một thời thanh xuân nên bản thân thấy rất xúc động. Không ngờ hôm nay, những người bạn diễn năm xưa lại có dịp được đứng chung sân khấu. Ngày đó, chúng tôi là những chàng trai, cô gái đang học cấp 2, cấp 3 ở các vùng quê khác nhau của tỉnh Thanh Hóa, đã quyết định đi theo con đường nghệ thuật với mong muốn có thể góp phần động viên chiến sĩ, nhân dân Khu 5 đang kháng chiến”, NSƯT Hoàng Minh Tâm chia sẻ.
Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khu 5, Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa có chủ trương mở lớp đào tạo diễn viên, nhạc công dân ca kịch bài chòi Khu 5, chuẩn bị cho việc thành lập đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Lớp học được mở tại Thủ đô Hà Nội với 54 thành viên, trong đó có 24 người là thương, bệnh binh từng chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, 30 người là những nam nữ thanh thiếu niên được tuyển chọn từ các địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Lớp học được các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn hàng đầu trực tiếp giảng dạy, như: NSND Lệ Thi; nhà viết kịch Nguyễn Tường Nhẫn; đạo diễn Nguyễn Khánh, Trần Chức; nhạc sĩ Hoàng Lê, Trương Đình Quang; nhà thơ Huy Cận, Bảo Định Giang, Lưu Trọng Lư; biên đạo múa NSND Đặng Hùng, Phạm Thị Đảnh, Như Quỳnh, Đức Thiện, Phương Anh… Sau 3 năm học tập, đến tháng 6-1974, lớp học kết thúc và để lại dấu ấn với các vở diễn: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tấm vóc Đại Hồng, Đội kịch chim chèo bẻo, Một mạng người, Tấm phà, Lá cờ, Sáu cô tiếp vận… được khán giả đánh giá cao.
Ngày 21-7-1974, lớp học được Bộ Văn hóa ra quyết định thành lập đoàn với tên gọi Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5B. Đến ngày 29-7-1974, đoàn lên đường vào miền Nam phục vụ cho quân và dân Khu 5. “Chúng tôi không bao giờ quên 2 đêm diễn đầu tiên tại căn cứ địa cách mạng Khu 5 phục vụ hội nghị quân, dân, chính Đảng, và đã được đồng chí Võ Chí Công – Bí thư Khu ủy Khu 5 khen ngợi. Sau đó, ngày 15-9-1974, Ban Tuyên huấn Khu 5 quyết định đổi tên Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5B thành Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ, lấy ngày 29-7 làm ngày truyền thống của đoàn”, NSƯT Nguyễn Văn Khánh – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin, thành viên của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ cho biết.
Tự hào tiếp bước
Tổ khúc dân ca bài chòi do các nghệ sĩ Đoàn Dân kịch bài chòi (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn. |
Từ cuối năm 1974 đến đầu tháng 3-1975, Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ liên tục hành quân biểu diễn phục vụ khắp các chiến trường ở tỉnh Quảng Nam. Tuy trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, lại thường xuyên đối diện với đạn pháo của địch, nhưng đoàn vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ đã theo bước chân của đoàn quân giải phóng để biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ các tỉnh Tây Nguyên, rồi xuống Quy Nhơn, vào Nha Trang, Phan Thiết. Sau đó, đoàn lại được lệnh ngược ra phục vụ đồng bào, chiến sĩ các địa phương vừa được giải phóng, gồm: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Tháng 10-1975, từ TP. Đà Nẵng, đoàn lại được Ban Tuyên huấn Khu 5 điều động chi viện cho tỉnh Khánh Hòa, sau đó được đổi tên thành Đoàn Dân ca kịch Khu 5 tỉnh Khánh Hòa, mở ra giai đoạn đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển dân ca kịch bài chòi ở xứ Trầm Hương.
Từ năm 1989, đoàn được đổi tên thành Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Sau này, đoàn được sáp nhập cùng Đoàn Nghệ thuật tuồng, trở thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Với sự quan tâm của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đoàn đã được bổ sung thêm nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi, đồng thời dàn dựng được nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, như: Tiếng sấm Tây Nguyên, Đôi dòng sữa mẹ, Tình anh trong mắt em, Đồng tiền và nhân cách, Mối tình qua Tết Li Boong, Tiếng đàn thuở xa xưa, Nàng Sita, Ánh lửa trong đêm, Nhảy múa với quỷ dữ, Một thời nghiệt ngã, Bắc Bình Vương xử án… Đoàn không chỉ lưu diễn tại các địa phương trong tỉnh mà còn liên tục đi diễn khắp các tỉnh, thành phố trong nước.
Từ cái nôi của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ, nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành, cũng như có nhiều đóng góp cho sân khấu kịch bài chòi ở Khánh Hòa, như: NSND Phùng Thị Bình, NSND Linh Nhâm, NSƯT Hoàng Minh Tâm, NSƯT Nguyễn Đình Ảnh, NSƯT Nguyễn Văn Khánh, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức… Họ không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người nghệ sĩ biểu diễn mà còn trao truyền những tinh hoa của sân khấu dân ca kịch bài chòi cho thế hệ sau, như: NSƯT Nhật Lệ, NSƯT Bích Vương, NSƯT Bích Thủy, NSƯT Ái Ly, NSƯT Đỗ Ngọc Tâm, NSƯT Văn Huy… NSƯT Đỗ Ngọc Tâm chia sẻ: “Bản thân tôi, cũng như hầu hết các nghệ sĩ dân ca kịch bài chòi hiện nay đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi là thế hệ tiếp bước những nghệ sĩ tên tuổi của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ. Chính vì thế, chúng tôi luôn cố gắng để kế tục, giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dân ca kịch bài chòi”.
Ông LÊ VĂN HOA – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Nhìn lại chặng đường 50 năm hình thành, phát triển của Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung Trung Bộ – tiền thân của Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, chúng ta biết ơn đến những người đã đặt nền móng xây dựng sân khấu dân ca kịch bài chòi nói riêng và ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa nói chung để có được sự phát triển như hôm nay. Thấy được điều đó, chúng ta càng phải quyết tâm giữ gìn, phát huy văn hóa, nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Trên thực tế, những nghệ sĩ dân ca kịch bài chòi hôm nay đang từng ngày nỗ lực để xứng đáng với những gì thế hệ đi trước truyền lại. Niềm cảm hứng, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của những nghệ sĩ đi trước là tấm gương sáng cho lớp nghệ sĩ hôm nay học tập, noi theo.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202407/tu-haonghe-thuat-bai-choi-xu-tram-802731a/