Du lịch Việt Nam đang có một nghịch lý. Như nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15.11 là “vẫn còn rất nhiều hạn chế như tình trạng mạnh ai nấy làm, liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế… với du lịch chưa chặt chẽ…”.
Nghịch lý ở chỗ dù “mạnh ai nấy làm” nhưng vẫn như Thủ tướng đánh giá – là “các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc…”.
Sự sao chép dễ thấy nhất là kinh tế đêm của các địa phương đang triển khai.
Gần như cả 12 địa phương trong Đề án Phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hồi tháng 7.2023, đều có chung một kịch bản vận hành na ná nhau.
Đó là rào đường – đi bộ – ăn uống – múa hát – bán hàng lưu niệm không có xuất xứ…
Và theo như nhận xét của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel thì các địa phương còn khó khăn lúng túng khi triển khai, chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục của người dân.
Tại hội thảo nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc là chúng ta “chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế”.
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hiện nay vẫn là sự kiện quốc tế có thương hiệu riêng là vì nó rất khó để sao chép, nhưng Festival Huế thì lại là chuyện khác.
Festival Huế bây giờ không còn là một lễ hội quốc tế như xưa bởi địa phương đã chủ ý phân nhỏ thành “4 mùa” cũng như thu hẹp quy mô sự kiện.
Và sau kinh tế đêm thì Festival Huế là ví dụ sinh động tiếp theo về việc “được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác” khi hầu như tất cả các địa phương trong cả nước hiện đều làm lễ hội văn hóa với phương thức tương tự.
Để có được sự khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong du lịch, để Việt Nam trở thành nơi “phải đến” theo như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp, trước hết hãy xóa bỏ tư duy sao chép, mà dễ nhất, trước hết từ cách làm kinh tế đêm.