Đong đầy trách nhiệm, nghĩa tình

“Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”. “Đã đến giờ ăn cơm trưa, kính mời thủ trưởng và đoàn công tác lên các phòng ăn dùng bữa”. “Đoàn công tác chuẩn bị vào đảo. Tổ xuồng số 1 chuyển hàng vào đảo… ”. Đó chỉ là một phần những gì mà bất cứ ai khi đi thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều ấn tượng và thân thuộc như một nét rất riêng của những chuyến tàu. Từ giờ báo thức, lịch trình, nhiệm vụ của mỗi bộ phận, những thông tin về lịch sử, đặc điểm, vị trí địa lý biển, đảo… đến thông báo giờ ngủ mỗi tối… luôn giúp cho những vị khách yên tâm hơn, hiểu rõ hơn về việc cần làm và nơi mình đang đến.

Mỗi năm có cả gần chục chuyến ra khơi làm nhiệm vụ đưa, đón các đoàn nên cả đơn vị thường tập trung cho các chuyến tàu và cả tập thể hàng chục sĩ quan, thủy thủ, thuyền viên, nhân viên của tàu lại dành trọn tâm sức cho mọi công tác chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ để nhận lại sự ngưỡng mộ, đánh giá tốt nhất cho cả con tàu. Từ Thuyền trưởng tàu KN-290 Quách Hữu Quang, Chính trị viên Nguyễn Thành Chung… đến Hoàng Sĩ Sự-lái tàu có tuổi đời cao nhất, Võ Tá Quân-cậu em út sinh năm 1999 dù rất bận rộn nhưng luôn nở nụ cười tươi trước hàng trăm câu hỏi, hàng trăm việc “được” nhờ! Hành trình của đoàn với 10 ngày có lẻ đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo để toàn bộ khách được tắm giặt bằng nước ngọt, có đủ rau tươi, thực phẩm cho mỗi ngày 2 bữa chính, 2 bữa phụ.

Chỉ nói về rau, dù tàu có tủ bảo quản nhưng đến ngày thứ 5, thứ 6 trở đi, (trừ bắp cải và các loại quả) rau nào cũng bắt đầu có lá úa, như thế, công việc của bộ phận nuôi quân càng vất vả hơn khi tốn khá nhiều thời gian nhặt rau. Ai cũng biết, để 5 giờ sáng, hơn 300 con người có bữa cơm đầu tiên thì bộ phận nuôi quân phải dậy từ 3 giờ, rồi bữa trưa, bữa tối, bữa phụ, họ đi ngủ sớm nhất lúc 12 giờ đêm. Bếp trưởng Trần Lê Hùng và anh em còn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các thành viên đoàn nếu không dùng cơm có thể chọn phở hoặc mì tôm.

Nhân viên ngành cơ điện Hoàng Xuân Hồng kiểm tra máy tàu. 

Đại úy QNCN, y sĩ Phạm Thị Hồng Duyến, người được tăng cường làm nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho tàu nhưng luôn có mặt để hỗ trợ tổ nuôi quân. Chị Duyến chia sẻ thêm: “Tổ phục vụ toàn nam giới nhưng mọi công việc từ giặt, ủi, lau dọn sàn tàu, các phòng nghỉ, thông tắc vệ sinh… việc gì anh em cũng sẵn lòng. Nói thật, anh em rất mệt nhưng luôn cố gắng để khách được hài lòng”.

Điều mà Duyến nói là hài lòng ấy, tôi tìm hiểu và biết được rằng: Mỗi khi khách lên đảo làm nhiệm vụ, mọi người chia nhau đi đến các phòng quét dọn. Họ sẵn lòng gấp lại chăn, màn, kể cả quần áo lót chủ nhân vội vàng để lại. Nhiều người ban đầu “không hiểu” có cô Tấm nào giúp việc, sau đó đã ý thức hơn trước lúc rời phòng. Một điều nữa, khách trên tàu luôn nhận được sự giúp đỡ tối đa đối với bất cứ nhu cầu chính đáng nào được nêu ra như: Bổ sung kem đánh răng; mượn bàn cờ giải trí, cần câu cá và cả… nướng mực… Nhiều người nhận xét: Ở trên bờ, có nhiều thứ thiếu, ở dưới tàu, không thấy thiếu thứ gì!

Tin yêu, mến phục

Tàu KN-290 là loại tàu hiện đại đóng trong nước nhưng công nghệ nhập khẩu. Tàu có đầy đủ thiết bị hiện đại, việc tác nghiệp hải đồ, vận hành nhẹ nhàng, thuận lợi, có thể đặt chế độ tự động cho nhiều công đoạn như tự động lái, tự động máy… nhưng đó chỉ là phần “nổi” dễ nhìn thấy trên tàu. Tôi được theo anh Hoàng Xuân Hồng, Lê Văn Liên và Lê Hoàn, những nhân viên cơ điện theo ca, xuống khoang máy. Cánh cửa sắt nặng trịch mở ra là tiếng động cơ gầm gào, công suất của 4 chiếc máy chính, mỗi máy 2240KW (tương đương 3000CV), độ ồn của cỗ máy là 150 decibel. Thảo nào mỗi người đều có bộ đeo chống ồn giống chiếc tai nghe nhạc khổng lồ.

Lê Hoàn nói như bác sĩ chuyên khoa: Tiếng ồn gây ra sự tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch. Cũng tại khoang máy, nhiệt độ trung bình khoảng 41-42oC. Tôi xuống chưa được 10 phút mà mồ hôi như tắm, trong khi cả ca máy là 3 tiếng! Con tàu này, thủy thủ, thuyền viên đã có chuyến đi dài nhất làm nhiệm vụ trực trên biển đến… 93 ngày! Thảo nào ngành cơ điện không có anh nào béo. Đấy là trên tàu hiện đại, ở các tàu bé hơn, tàu vận tải hệ cũ thì khác hơn nữa…

Điều kiện thực hiện nhiệm vụ vất vả nhưng ý chí, nghị lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trên tàu thì không có gì so được. Chất thép của họ khi đối mặt với sóng to, gió lớn cũng chỉ một phần, họ còn phải đối mặt với sự khiêu khích to lớn hơn đến từ tàu nước ngoài. Đã có những lần phun vòi rồng, va đập, cắt mặt nhau… nhưng tàu của ta vẫn bình tĩnh, khôn khéo, cương quyết đẩy lùi âm mưu của đối phương, góp phần bảo vệ vững chắc quyền, chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HẢI LINH