Kỷ niệm Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023), là dấu mốc quan trọng để chính quyền và người dân phố núi nhìn lại chặng đường đã qua và định hướng phát triển cho tương lai.
TP.Đà Lạt với lịch sử 130 năm hình thành và phát triển
Từ cao nguyên hoang sơ đến thành phố du lịch nổi tiếng
Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên (21.6.1893), và nhờ đó ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, Đà Lạt dần được hình thành là “thủ đô mùa hè” của Đông Dương và hôm nay Đà Lạt trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và cả du khách quốc tế.
Theo Địa chí Đà Lạt, từ xa xưa, Đà Lạt và cả cao nguyên Lâm Viên là địa bàn cư trú của người Lạch, Chil, Srê thuộc dân tộc K’Ho. Sau khi bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên này chỉ một thời gian ngắn, dân số Đà Lạt tăng lên 1.500 người vào năm 1923, sau đó năm 1925 tăng lên 2.400 người, đến năm 1939 là 11.500 người… và hiện nay khoảng 250 ngàn người. Sau 130 năm, từ miền đất hoang sơ, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với không ít thăng trầm, nay Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, thành phố Festival Hoa và đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực Âm nhạc, trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng. Đà Lạt được công nhận là “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” giai đoạn 2022-2024; còn tạp chí Lifestyle Asia đề xuất Đà Lạt là một trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022.
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết trong năm 2022 tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt đạt 6 triệu lượt (tăng 205% so với năm 2021); trong đó khách quốc tế ước đạt 135.000 lượt. Toàn TP.Đà Lạt hiện có 2.437 cơ sở lưu trú du lịch, với 31.152 phòng (tăng 194 cơ sở so với năm 2021). Trong đó, có 367 khách sạn từ 1-5 sao với 10.752 phòng. Bên cạnh đó, có trên 1.014 cơ sở kinh doanh nhà hàng – ăn uống, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”
Lãnh đạo TP.Đà Lạt cho rằng bên cạnh khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thơ mộng, kiến trúc độc đáo thì phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” cũng là “tài sản” quý báu để phát triển du lịch.
Trải qua những biến động của lịch sử, tạo nên những dòng hợp cư từ mọi miền đến với Đà Lạt, từ đó hình thành nên nét tính cách đặc trưng của người phố núi “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách”. Có thể hiểu đó là sự chắt lọc, “tổng hòa” giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền Bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên-Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương Nam; cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp.
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP.Đà Lạt, cho biết giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt được sự chỉ đạo toàn diện của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Đà Lạt trong những năm qua, nhờ đó đã tạo sức lan tỏa nội dung Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt đến người dân và du khách trên địa bàn trong thời gian qua. Cụ thể, từ tháng 4.2022, thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt đối với 9 nhóm đối tượng trong đó có 6 nhóm đối tượng trực tiếp liên quan đến hoạt động ngành nghề du lịch.
Điều dễ dàng nhận thấy sự chuyển biến tích cực về giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” của giới tiểu thương Đà Lạt, khi họ ý thức chấp hành tốt văn minh thương mại, đề cao chữ tín, chữ tâm trong kinh doanh, cư xử nhã nhặn với khách hàng.
Đà Lạt phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng cao, chất lượng và tính chuyên nghiệp cao, là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
Đà Lạt trong tương lai
Đồ án “Quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 704/QĐ-TTG ngày 12.5.2014) thì Đà Lạt trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững hướng đến văn minh hiện đại; có mức thu nhập trung bình cao. Giai đoạn 2025-2030 xây dựng thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; thành phố du lịch, dịch vụ phát triển, có mức thu nhập tiếp cận ngưỡng thu nhập cao. Đến năm 2045 phát triển Đà Lạt là thành phố du lịch, dịch vụ hiện đại; hạ tầng hiện đại, hợp lý, thông minh gắn với nền kinh tế số, xã hội số và có mức thu nhập cao.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất phương án sáp nhập H.Lạc Dương vào đơn vị hành chính TP.Đà Lạt trong giai đoạn 2026 – 2030. Phương án này phù hợp với quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt (mở rộng đô thị Đà Lạt về hướng Lạc Dương, Cầu Đất và vùng phụ cận theo bán kính 30 km với cao trình 850 m trở lên).
UBND tỉnh Lâm Đồng còn giao TP.Đà Lạt phối hợp cùng Sở VH-TT-DL và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục để đề xuất công nhận Đà Lạt trở thành thành phố di sản. Thành phố di sản được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.
Lâm Viên