Tác phẩm “Những mảnh tình khát vọng” (NXB Hội Nhà văn, 2024) của nhà báo, nhà thơ Đào Đức Tuấn vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách đầy đặn, gồm những bài viết chân dung – ghi chép mang đến cho độc giả nhiều bất ngờ, thích thú.
Nhà thơ, nhà báo Đào Đức Tuấn (bên trái) tại buổi ra mắt sách |
Những mảnh tình khát vọng” dành 162 trang đầu để phác họa chân dung các văn nghệ sĩ, hầu hết là bạn bè có mối thâm giao với Đào thi sĩ. Điểm khó khi viết chân dung là phải đọc nhiều tác phẩm, hiểu rõ cuộc đời, tính cách của từng người, từng nhân vật. Hơn nữa, văn nghệ sĩ vốn rất tài hoa nhưng khá cá tính. Phải viết sao cho mới lạ, độc đáo, hấp dẫn để thuyết phục người đọc là rất khó. Thế mà, Đào Đức Tuấn vẫn làm tốt, viết hay, đọc khoái!
Nhiều cây bút, dĩ nhiên chưa dám nói tiêu biểu nhất nhưng xứng đáng là niềm tự hào của một vùng đất, cứ hiện dần lên trên từng trang sách. Kia là Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Vân Phi (Bình Định); đây là Nguyễn Tường Văn, Đào Minh Hiệp, Ngô Phan Lưu, Phan Hoàng, Phùng Hi (Phú Yên); này là Uông Thái Biểu, Nguyễn Hàng Tình (Lâm Đồng); còn nữa là Đoàn Thạch Biền, Lương Ngọc An, Trần Nhã Thụy, Lê Đức Dương, Nguyễn Lãm Thắng… Từ chuyện đời tới chuyện nghề, từ trăn trở đến ước mơ, từ nhọc nhằn cơm áo đến cốt cách tao nhân, từ duyên nợ văn chương đến các tác phẩm định danh tên tuổi của họ, đều được Đào Đức Tuấn phác họa khá sắc sảo bằng ngôn từ, bằng văn phong sáng, đẹp, cuốn hút.
Cuốn sách “Những mảnh tình khát vọng” của Đào Đức Tuấn |
Cái thú khi đọc chân dung văn học là độc giả không chỉ bao quát được quá trình sáng tạo, những tìm tòi khai mở, mà còn hiểu thêm chuyện hậu trường, “bếp núc” văn chương. Phía sau con chữ, bản thảo, tác phẩm là những áo cơm níu kéo, là nỗi cô đơn lặng thầm, là niềm đam mê cháy bỏng, là tấm lòng tin yêu… của mỗi nghệ sĩ. Đọc sách này, tôi biết thêm về nhà thơ Đoàn Thạch Biền đáng quý: “Nghe ông Biền “thương bọn trẻ” là họ rần rần gửi bài đến, lem nhem bản thảo, câu cú chập chững. Vậy mà ông đọc, ông sửa, hồi âm từng người; đến khi thấy bài được đăng nguyên, không sửa dấu phẩy, họ biết mình đã…lớn”; “Bất kể giờ giấc, nhiều anh em mới vào nghề báo, nghề văn luôn tìm đến ông để tham khảo ý kiến, đôi khi chỉ là một chi tiết nho nhỏ”.
Tôi xúc động trước tấm lòng của ông Biền đối với bạn viết trẻ. Tôi yêu thích lời động viên chân tình của thầy dạy toán – viết văn Phùng Hi: “Các bạn thử viết văn đi, như thử một nghề nào đó, nghề mộc chẳng hạn. Nếu thành công, coi như bạn có cái gửi đến bạn đọc. Nếu không, tôi tin bạn sẽ yêu văn chương thêm chút nữa như đã từng yêu”. Tôi thích văn phong của Đào Đức Tuấn, bay bổng mà gần gũi, hoa mĩ mà bình dị, tung tẩy có nghề mà vẫn riêng chất Nẫu thân thương, như “rần rần”, “lem nhem”, “nhắn nhe”, “bự nhứt”…
Tôi từng say sưa đọc “Gió thổi từ miền kí ức” của Uông Thái Biểu. Do đó, tôi dừng lại khá lâu để trầm trồ trước những câu văn của anh Tuấn viết về anh Biểu: “Để rồi bao nhiêu gắn bó khóc cười, Đà Lạt đã thấm đẫm tâm hồn chàng trai xứ Nghệ. Thế nhưng tôi nhận thấy, niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên vẫn chiếm phần cốt lõi trong những trang viết Uông Thái Biểu. Mừng một đời chữ buồn vui Uông Thái Biểu, người của những mùa gió…”. Với 28 chân dung nghệ sĩ, mỗi người một vẻ độc đáo nhưng tựu trung đều rất tài năng, trách nhiệm, đam mê, dấn thân, nặng tình với từng trang viết.
Phần sau cuốn sách, dành hơn 80 trang để giới thiệu những câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nhân Phú Yên như: Lê Văn Hậu, Trần Duy Tân, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Trần Vũ, Ngô Thị Mười… Đa số họ còn trẻ, học hành bài bản, có khát vọng làm giàu để giúp mình, giúp người trên chính mảnh đất quê hương. Những trang viết này thiên về báo chí nhưng vẫn đẫm chất văn và cái tình của tác giả. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, đủ cả buồn vui, bươn chải, thất bại, quyết tâm để thành công…
Đào Đức Tuấn tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Đà Lạt năm 1993, hiện sống và viết tại Tuy Hòa – Phú Yên. Tên tuổi của anh được bạn đọc biết đến qua 3 tập thơ Chiều chậm (2005), Ôm tròn trái đất (2010), Thinh không (2017). Nghề báo giúp anh có cơ hội đi và viết nhiều, giao tiếp rộng, giàu vốn sống. Nghiệp văn giúp anh tìm thấy cân bằng, an nhiên với con chữ, sau những ruổi rong tất bật, chênh vênh. Điểm chưa đạt của cuốn sách là còn một số lỗi morat, tuy ít thôi nhưng vẫn gợn cảm giác chưa thật trọn vẹn. Theo tôi, “Những mảnh tình khát vọng” là cuốn sách đáng đọc. Đọc để hiểu thêm về người và nghiệp. Đọc để thấu chữ Tình đọng lại mỗi trang văn!
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/nhung-manh-tinh-khat-vong-92f2e91/