Ý thức tự giác chưa cao
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp số 415 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Bộ GDĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2019-2024 diễn ra tuần qua, ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết: Ngành giáo dục với gần 24 triệu học sinh, sinh viên và gần 2 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên để góp phần nâng cao nhận thức, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.
Ngành giáo dục cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp như đưa công tác giáo dục an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá thi đua hàng năm của ngành. Biên soạn tài liệu và đưa giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào chương trình chính khóa của các cấp, từ mầm non đến đại học. Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức linh hoạt để thu hút học sinh…
Tuy nhiên, theo ông Đạt, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên có chuyển biến nhưng tính tự giác chưa cao. Theo thông báo của ngành công an, các lỗi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, vừa điều khiển xe mô tô vừa làm việc khác như nghe nhạc, nghe điện thoại… Trong khi đó, thời lượng dạy về an toàn giao thông trong chương trình chính khóa còn hạn hẹp; phương pháp giảng dạy còn cứng nhắc, chưa tạo hứng thú cho học sinh; kinh phí tổ chức các hoạt động ngoại khóa hạn chế. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân chủ quan như lãnh đạo một số nhà trường còn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến nội dung này…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi cũng nhận định: Vi phạm an toàn giao thông là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên, những nguy hiểm về tai nạn giao thông vẫn rình rập hàng ngày, hàng giờ và vẫn còn phải chứng kiến những đau xót do tai nạn giao thông gây ra. Hậu quả, di chứng và sự tổn hại không chỉ về vật chất, mà còn là tinh thần đối với mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường là vĩnh viễn.
Phát huy vai trò người đứng đầu chỉ đạo
Theo đại diện Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang: Để đạt được hiệu quả trong công tác giáo dục an toàn giao thông cấp THPT, hàng năm, hiệu trưởng các nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền an toàn giao thông gắn với kế hoạch phát triển giáo dục của nhà trường. Kế hoạch này không chỉ đơn thuần là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mà cần phải tích hợp vào chương trình giảng dạy chính khóa và các hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp. Nội dung giáo dục an toàn giao thông cần được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng khối lớp, từng giai đoạn phát triển tâm lý của học sinh.
Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM Trần Thanh Thưởng cho biết, trường tổ chức triển khai mô hình xây dựng đội tuyên truyền Luật giao thông trong trường. Cụ thể là thành lập các nhóm tuyên truyền theo tổ chức đoàn, hội khoa; xây dựng nội dung tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền trên website cũng như các trang mạng xã hội của sinh viên; duy trì mô hình cổng trường an toàn giao thông, tích cực giải tỏa ách tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cho hay do địa bàn rộng với nhiều khu vực địa hình khác nhau, Nghệ An đã căn cứ vào đặc điểm từng vùng, miền để tuyên truyền phù hợp. Cụ thể, với những học sinh thường xuyên tham gia các phương tiện giao thông đường thủy, nhà trường tăng cường giáo dục học sinh đi phà, đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh, chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đối với các trường trên địa bàn có đường sắt chạy qua, trường tổ chức tuyên truyền các nội dung bảo vệ đường sắt, các quy tắc đi qua đường sắt an toàn…
Bà Trần Thị Kim Nhạn, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng và Giáo dục Chuyên nghiệp – Thường xuyên, Sở GDĐT Quảng Ngãi cho biết: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung an toàn giao thông, Sở GDĐT Quảng Ngãi phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện mô hình thành lập các nhóm nhỏ để nhà trường có số liệu trao đổi trực tiếp, cập nhật thông tin hàng ngày tình hình an toàn giao thông của học sinh với phụ huynh.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc đổi mới đồng bộ hình thức giảng dạy trong các nhà trường và vai trò của người đứng đầu trong công tác triển khai giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Nơi nào lãnh đạo quan tâm thì nơi đó làm tốt. Do đó phải phát huy hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo, nhận thức của người đứng đầu các đơn vị trong công tác này. Những cách làm, mô hình phối hợp hay tại các địa phương cần được báo cáo, chia sẻ và lựa chọn để nhân rộng thành mô hình phổ biến. Trong khi làm, khi triển khai, việc phân công trách nhiệm, công việc cần phải rõ ràng, cụ thể.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng khẳng định, để công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Đặc biệt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần được xây dựng vững chắc; các chế tài xử lý phải có tính răn đe, quyết liệt, đầy đủ. “Đối với giáo dục việc truyền thụ các kiến thức văn hóa rất quan trọng, nhưng bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên quan trọng hơn rất nhiều. Sự nghiệp học chữ có thể cả đời nhưng việc bảo đảm được an toàn giao thông là việc hàng ngày, hàng giờ, là việc làm cần thiết và phải làm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/linh-hoat-doi-moi-giao-duc-an-toan-giao-thong-10292665.html