ĐTO - Khi những dòng sông ở thượng nguồn bắt đầu đổi màu, chuyển dần sang sắc đỏ phù sa là lúc người dân vùng đầu nguồn Đồng Tháp thấy lòng mình xao xuyến. Mùa nước nổi đang về mang lại sinh kế cho người dân vùng thượng nguồn với con cá, con tôm và quan trọng hơn là mùa bồi đắp sức sống cho những cánh đồng mỏi mòn sau 2 vụ lúa.
Ông Nguyễn Văn Khen (ngụ phường Thường Lạc) chuẩn bị đăng lưới sẵn sàng chờ tôm càng xanh lên đồng khi lũ về
Thượng nguồn rộn ràng đón lũ
Tại các địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như: Thường Phước, Thường Thới Hậu A (nay thuộc phường Thường Lạc, tỉnh Đồng Tháp), không khí ngày mùa đang nhộn nhịp. Trên những cánh đồng rộng lớn, máy gặt đập liên hợp chạy không ngừng nghỉ, giống như những chú ong cần mẫn thu gom mật ngọt từ bông lúa trĩu hạt để kịp đón con nước lũ đang về.
Tại khu vực xã Thường Phước 1 cũ (nay là một phần xã Thường Phước mới), người dân cho biết năm nay, năng suất lúa đạt mức khá, khoảng 6,5 tấn/ha đối với nếp và khoảng 6,25 tấn/ha đối với lúa. Giá bán dao động từ 6.200 - 6.500 đồng/kg lúa, với nếp khoảng 7.000 đồng/kg. Dọc tuyến biên giới thuộc phường Thường Lạc (xã Thường Thới Hậu A cũ), người dân đang gặt lúa OM18 trong không khí khẩn trương. Một số diện tích ngoài ô bao đã được nông dân thu hoạch xong, nước từ sông len lỏi vào đồng. Ở những nơi này, bà con đã bắt đầu cho ngư cụ xuống đồng cho một mùa đánh bắt cá đồng.
Ông Lê Trường Nhân - nông dân ngụ phường Thường Lạc, chia sẻ: “Vụ hè thu này, tôi trồng hơn 2ha lúa OM18, đã liên kết bao tiêu với công ty giá 6.300 đồng/kg. Dù giá lúa ngoài thị trường hiện tăng nhẹ nhưng tôi vẫn giữ đúng cam kết với doanh nghiệp để duy trì chữ tín và hợp tác lâu dài. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên lúa không trúng mùa như kỳ vọng. Tôi mong chờ mùa lũ năm nay sẽ lớn, mang theo nhiều phù sa màu mỡ tưới mát đồng ruộng, cho vụ đông xuân tới hứa hẹn bội thu hơn vụ hè thu này. Sau khi thu hoạch xong, tôi sẽ tiến hành xả lũ để đón nước vào đồng như mọi năm”.
Người dân vùng đầu nguồn tận dụng mùa nước nổi nuôi thêm nhiều loại cá đồng đặc sản ở bè trên các sông để tăng thu nhập
Đối với người dân đầu nguồn, con nước lũ không chỉ đơn thuần là sự dâng cao của mực nước. Đó là biểu tượng của sự sống, của sự tái tạo và những vụ mùa bội thu. Ông Trần Văn Sơn, nông dân trồng lúa ở phường Thường Lạc, chia sẻ: “Ruộng lúa của tôi đã thu hoạch xong, giờ chỉ chờ ngành chức năng mở cống xả lũ thôi. Với nông dân đầu nguồn, chúng tôi rất háo hức đón chờ con nước. Bởi mùa lũ về không chỉ mang cá tôm mà còn mang theo cả phù sa, loại “dinh dưỡng” tuyệt vời dành cho đất đai. Năm nào lũ lớn, phù sa lắng lại trên ruộng dày đặc là năm đó chúng tôi biết ruộng lúa nhà mình sẽ trúng mùa”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Thường Lạc, cho biết: “Toàn phường canh tác trên 3.300ha lúa và nếp. Hiện diện tích lúa thu hoạch đạt trên 2.000ha, năng suất khoảng 6,2 tấn/ha. Giá lúa OM 5451 từ 5.800 - 5.900 đồng/kg, lúa OM18 từ 6.200 - 6.500 đồng/kg, nếp 7.500 đồng/kg. Trong đó, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ khoảng 1.700ha. Đặc biệt, dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ xả lũ với diện tích lớn hơn, khoảng 2.900ha thuộc 8 ô bao, chỉ còn khoảng 400ha được giữ lại canh tác vụ 3. Điều này cho thấy sự đồng lòng của bà con trong việc cho đất “nghỉ ngơi”, đón phù sa để chuẩn bị cho những vụ mùa tiếp theo”.
Nông dân vùng đầu nguồn tất bật thu hoạch lúa hè thu chuẩn bị đón lũ về
Khai thác lợi thế mùa nước nổi
Không chỉ thu hoạch lúa, những ngày này, người dân đầu nguồn còn tất bật chuẩn bị ngư cụ. Từ những tấm lưới, lú, lọp tép, lọp cua đến việc sửa sang lại lồng bè, tất cả đều được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ. Bởi lẽ, khi con nước lũ về, cũng là lúc mùa đánh bắt thủy sản bắt đầu, mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Thường Lạc, cho biết về kế hoạch khai thác sinh kế trong mùa lũ: “Để phát huy lợi thế là khu vực đầu nguồn, hàng năm, địa phương thường xuyên vận động bà con nông dân tận dụng lợi thế để khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững trong mùa lũ, đồng thời khuyến khích người dân duy trì các mô hình sinh kế mùa nước nổi như nuôi trữ cá đồng, nuôi tôm càng xanh nhằm giúp bà con tăng thu nhập. Chúng tôi khuyến khích bà con khai thác hợp lý, không tận diệt để bảo tồn nguồn lợi thủy sản”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khen ngụ phường Thường Lạc, là một minh chứng sống động cho việc khai thác hiệu quả mùa nước nổi. Với ông Khen, mùa nước lũ không chỉ là mùa “vệ sinh đồng ruộng” giúp đất thêm màu mỡ, mà còn là một “vụ mùa kinh tế” quan trọng. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Khen tận dụng mùa nước nổi để nuôi tôm càng xanh trên đồng ruộng và làm bè trên sông nuôi cá hô - loại cá đặc sản nước ngọt của vùng thượng nguồn.
Ông Nguyễn Văn Khen hào hứng chia sẻ: “Tôi để ý năm nào con nước lũ lớn, nước tràn trắng đồng thì năm đó tôm cá, tôm nuôi rất mau lớn, lợi nhuận của mình cũng nhiều hơn. Như năm rồi, lợi nhuận từ cá hô và tôm càng xanh của gia đình trên 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với nông dân ở khu vực thượng nguồn như tôi. Vì vậy, tôi rất mong ngóng con lũ về sớm”.
Cũng như nhiều bà con ở khu vực đầu nguồn, những ngày cuối tháng 6 âm lịch, khi con nước trên dòng sông Sở Thượng bắt đầu chuyển màu đỏ ngầu phù sa, anh Trương La Đa (ngụ phường Thường Lạc) - “ngư dân” sống bằng nghề câu lưới bắt đầu chuẩn bị ngư cụ cho hành trình mưu sinh mùa nước nổi. Anh Trương La Đa chia sẻ: “Năm nào, tôi cũng mong mùa lũ sẽ lớn, nhiều người thường gọi là lũ đẹp. Vì lũ lớn mới có nhiều cá, cá mau lớn, nhờ vậy bà con làm nghề câu lưới như tôi có thêm thu nhập”.
Anh Trương La Đa (ngụ phường Thường Lạc) chuẩn bị ngư cụ cho hành trình mưu sinh mùa nước nổi năm 2025
Thông thường, khoảng 3 giờ 30 phút chiều là anh Đa ra đồng giăng lưới. Khi giăng lưới xong, anh về nghỉ ngơi, đến khoảng 8 giờ tối đi thăm lưới một lần, rồi gần 3 giờ sáng lại cuộn lưới, mang cá về nhà. Trung bình mỗi đêm, anh Đa thu hoạch khoảng 10kg cá loại lớn, thu nhập trung bình từ 350.000 - 500.000 đồng. Đêm nào may mắn trúng mẻ lớn, gia đình anh có thu nhập từ 700 - 800.000 ngàn đồng.
Điều đặc biệt là anh không chọn các loại ngư cụ bắt cá theo kiểu tận diệt, từ cá lớn đến cá bé, mà anh lựa chọn lưới có mắt khoảng 5,5 - 6cm. Anh Trương La Đa tâm sự với nụ cười hiền hậu: “Tôi chọn lưới thưa để bắt cá lớn, còn cá nhỏ thì cho nó đi về hạ nguồn, nó còn lớn nữa. Chưa kể, sau mùa lũ, cá từ hạ nguồn có thể quay về thượng nguồn để sinh sôi nảy nở. Tôi không thích sử dụng các phương tiện bắt cá theo kiểu tận diệt. Bởi mình khai thác bây giờ thì cũng phải chừa lại nguồn tài nguyên thủy sản để dành cho con cháu về sau khai thác. Đó là lý do khiến tôi trung thành với việc sử dụng lưới thưa để bắt cá”.
Câu chuyện của anh Đa không chỉ là lời tâm tình của một người con sinh ra và lớn lên ở vùng thượng nguồn, dành cả thanh xuân gắn bó, nương nhờ với con nước, mà còn là lời nhắc nhở về ý thức bảo tồn nguồn lợi, về tình yêu thương dành cho thiên nhiên và thế hệ mai sau.
Những ngày cuối tháng 6 âm lịch, khi mùa lúa hè thu đã nằm gọn trong kho, cánh đồng vùng đầu nguồn Đồng Tháp sẽ được đón chào một “vị khách đặc biệt” - con nước lũ. Nước sẽ tràn về, mang theo phù sa bồi đắp cho đất đai, mang theo cá, tôm làm phong phú thêm bữa ăn và quan trọng hơn, mang theo niềm hy vọng về một mùa màng bội thu...
Mỹ Lý
Nguồn: https://baodongthap.vn/xa-hoi/mua-nuoc-noi-ve-nhip-song-chan-hoa-o-thuong-nguon-song-tien-133057.aspx
Bình luận (0)