Nam Định nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã gây thương nhớ cho thực khách, trong đó phải kể đến bánh cuốn làng Kênh.
Đĩa bánh cuốn gây thương nhớ với thực khách khi tới Thành Nam. Ảnh: Hà Lê
Bánh cuốn không phải món ăn mới lạ, nhiều tỉnh thành đều có món ăn này. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có một cách làm, cách ăn khác nhau. Ở Nam Định dường như ngõ hẻm nào cũng có bánh cuốn, xuất phát điểm từ làng Kênh.
Làng Kênh vốn thuộc phủ Tức Mặc, đất phong của nhà Trần, Nam Định. Từ thời xa xưa, những tấm bánh tráng mềm, mịn và mướt như lụa bạch của làng Kênh đã được đem tiến Vua. Cụ tổ nghề bánh cuốn làng Kênh còn được sắc phong Thành Hoàng làng.
Đồ nghề làm ra những chiếc bánh cuốn rất đơn giản. Ảnh: Hà Lê
Bánh cuốn làng Kênh vốn có bí quyết riêng. Người làng chỉ truyền nghề cho con gái hoặc con dâu trong gia đình. Gạo làm bánh cuốn phải là loại gạo Mộc Tuyền được pha với gạo cũ (gạo ngon từ vụ mùa trước) theo tỷ lệ bí truyền rồi đem ngâm và xay tay bằng cối đá.
Ở Nam Định cũng có hàng chục hàng bánh cuốn lâu đời, mỗi nơi một vị. Ngày nay, người Nam Định có thể kể ra vài quán bánh cuốn ngon như bánh cuốn ngõ Nhà Thờ, bánh cuốn Bà Uyên ở phố Minh Khai, bánh cuốn làng Kênh trên đường Trương Hán Siêu…
Điểm giống nhau của bánh cuốn Nam Định là vỏ bánh mỏng tang như lụa bạch, màu ngà ngà mà vẫn trong chứ không trắng đục. Vị bánh thơm mùi gạo, đặc biệt là bánh không có nhân, chỉ có chút hành lá phi màu sẫm phết lên.
Một trong những hàng bánh cuốn nổi tiếng lâu đời của đất Thành Nam là quán Độ Ngần nằm trong ngõ Quang Trung, đường Quang Trung, TP. Nam Định. Quán ăn này có tuổi đời trên 25 năm.
Quán nhỏ nằm ở tầng một của ngôi nhà cũ, xếp vài ba bộ bàn ghế cùng chiếc bếp tráng bánh đỏ lửa cả ngày. Một người tráng bánh tay thoăn thoắt, một người quết dầu hành lá phi, mộc nhĩ lên bề mặt bánh là xong. Một muôi bột mới được đổ vào, người làm lấy nắp nồi úp lại, lập tức thoa một lớp dầu lên tấm bánh vừa cất ra thúng cho bánh luôn bóng và mềm.
Đoạn, phết hành lá phi lên lớp tiếp theo. Các lớp bánh cuốn được xếp thành từng lớp, từng lớp ngay ngắn trong lòng chiếc thúng.
Đặc biệt, bánh cuốn làng Kênh phải ăn nguội chứ không ăn nóng. Vỏ bánh tráng mỏng, mềm mịn quấn lấy mỡ hành thơm nức. Chả ăn kèm cũng rất chắc, tươi mới và có vị thơm ngon đặc trưng.
Nước chấm là nước mắm truyền thống pha thêm chút giấm, đường chua chua ngọt ngọt. Thực khách có thể gia giảm thêm giấm ớt, quất… tùy khẩu vị. Hành ăn kèm với bánh cuốn là hành ta nhà tự phi, giòn tan, thơm ngậy.
Giá một suất bánh chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng.
Bánh cuốn Nam Định được ăn cùng với nước mắm ngon và chả quế, hoặc ăn với chả nướng. Ảnh: Hà Lê
Hà Lê
Nguồn: https://dulich.laodong.vn/am-thuc/banh-cuon-nam-dinh-co-gi-ma-khach-an-mot-lan-nho-mai-1376896.html