Xác định việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, nhiều HTX trong tỉnh đã đổi mới mô hình hoạt động, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.
Hợp tác xã nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền, thị trấn Cồn (Hải Hậu) phát triển mô hình nuôi ốc hương. |
Toàn tỉnh có 395 HTX nông, lâm, thủy sản, ngư, diêm nghiệp với trên 314 nghìn thành viên. Để hình thành chuỗi liên kết, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã tích cực vận động các hộ thành viên tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất quy mô lớn; khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”… Nhiều HTX đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa cho thành viên thông qua các hội chợ, sự kiện lớn và trên các sàn giao dịch điện tử. Điển hình là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) đã liên kết các thành viên nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 30ha với các sản phẩm chủ lực gồm cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng. Hội đồng quản trị HTX đã kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm. HTX nông nghiệp Minh Diện, xã Trực Chính (Trực Ninh) liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ khoai tây, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) liên kết các thành viên và một số HTX trong tỉnh trồng, thu mua, chế biến lúa gạo với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm. Nhờ đó, thương hiệu “Gạo sạch Bốn Thuận” vinh dự là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á theo tiêu chuẩn HACCP. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) liên kết các hộ nông dân quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô 7ha, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn; tổ chức liên kết với một số doanh nghiệp, cửa hàng nông sản sạch để sản xuất, tiêu thụ khoai tây, các loại rau xanh. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu) liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH Cường Tân, sản lượng 350 tấn/vụ/năm; liên kết sản xuất lúa bắc thơm số 7 với Công ty TNHH Toản Xuân, sản lượng 50 tấn/vụ/năm; liên kết với Công ty Sunshine Minh Ngọc bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên, sản lượng 15-20 tấn/năm; cây dược liệu 25-30 tấn/năm. Đặc biệt, HTX được tổ chức Agritera của Hà Lan hỗ trợ kết nối với Công ty Shanshes tại Hà Nội thành lập Công ty Cổ phần Hải Hậu Oganic; hỗ trợ chuyên gia giúp đỡ công ty xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ; xây dựng thương hiệu gạo tám xoan bao tử sản xuất theo quy trình hữu cơ; đăng ký chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, làm bao bì nhãn mác. Do đó, sản phẩm gạo tám xoan bao tử đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao…
Thực tế cho thấy, phát triển chuỗi liên kết đã tạo ra các khu sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu lớn, đồng thời là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa chủ lực đủ lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết hợp tác phát triển kinh tế tiêu biểu ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 1 HTX và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất gắn với chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ lúa gạo với trên 30 HTX nông nghiệp trên địa bàn. 89 HTX trồng trọt, thủy sản, chế biến sản phẩm, tiểu thủ công nghiệp, dệt may thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; trong đó mô hình HTX kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 48 chuỗi. Các tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm hiện nay có 1.029 tác nhân, trong đó gồm 935 hộ nông dân, 26 tổ hợp tác, 69 HTX và 23 doanh nghiệp. Điển hình như: HTX thủy sản Hải Điền, HTX thủy sản Gia Hưng với chuỗi sản phẩm ốc hương thương phẩm và chế biến thủy hải sản. Chuỗi sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của HTX An Hòa, HTX làng nghề thủy sản Minh Hải (Hải Hậu); HTX thủy sản Hùng Cường (Trực Ninh); HTX nông nghiệp thủy sản Nghĩa Hưng Xanh (Nghĩa Hưng); HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường); HTX Khang Tường (Giao Thủy) với chuỗi gồm 8 sản phẩm OCOP; HTX thủy sản Tân Khánh (Vụ Bản) với chuỗi sản xuất – tiêu thụ giống cá Koi. Các chuỗi sản phẩm ngành chăn nuôi như HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, HTX chăn nuôi Long Phú (Vụ Bản); HTX chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh); HTX chăn nuôi Châu Gia Huy (Xuân Trường); HTX chăn nuôi Thịnh Phát, HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với chuỗi “Thịt lợn sạch Nam Sơn” đến nay với quy mô tổng đàn thường xuyên có trên dưới 2.000 con. Các chuỗi sản phẩm ngành trồng trọt điển hình như HTX nông nghiệp kinh tế tuần hoàn Đình Mộc (Giao Thủy) có 8 sản phẩm OCOP với chuỗi lúa gạo và các sản phẩm rau màu các loại; HTX nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) với chuỗi sản phẩm OCOP gồm mì gạo và bánh đa nem làng nghề truyền thống; HTX nông nghiệp Nam Thành (Nam Trực), HTX nông nghiệp Nghĩa Trung, HTX nông nghiệp Nghĩa Tân, HTX nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) với chuỗi kết nối tiêu thụ lúa, gạo thương phẩm; HTX làng nghề cây cảnh Vị khê (Nam Trực); HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định); HTX thanh niên Nam Đại Dương (Nghĩa Hưng). Chuỗi sản xuất giống, trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm của HTX Linh Phát (Hải Hậu); HTX Tuấn Hiệp (Giao Thủy); HTX nấm Nhật Bằng, HTX Dược thảo Hoàng Thành (Trực Ninh). HTX nông nghiệp Trường Xuân (Giao Thủy) với chuỗi các sản phẩm nông nghiệp tổng hợp. Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Vụ Bản) kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương. Từ việc liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, các thành viên HTX được hưởng nhiều lợi ích như được tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất; được hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn và định hướng cây trồng; được doanh nghiệp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua với giá cả ổn định. Sự liên kết chặt chẽ này cũng đã từng bước nâng cao giá trị nông sản, giúp cho nhiều sản phẩm của các HTX và thành viên tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Thời gian tới, các HTX trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX nói riêng, kinh tế của tỉnh nói chung.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/phat-trien-chuoi-lien-ket-san-xuattai-cac-hop-tac-xa-a066159/