Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ đồng chủ trì Hội nghị.
Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục; đào tạo cải thiện về chất
Báo cáo kết quả giáo dục đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: Năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) trên cả nước là 1.071.393. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.
Công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ chủ trì Hội nghị. Ảnh: TL. |
Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng chỉ ra, chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.
Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Sớm có hướng dẫn tuyển sinh năm 2025, đảm bảo chất lượng, công bằng
Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục đại học hiện nay; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp về công tác quản lý chất lượng; phát triển nghiên cứu khoa học…
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TL. |
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, nên quan tâm đến đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, có những chính sách riêng, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT mong muốn Bộ GDĐT sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025 để các trường chủ động trong công tác xét tuyển. Đồng thời, đề xuất cần có chiến lược phát triển các cơ sở giáo dục đại học địa phương, đào tạo nhân lực tại chỗ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và của vùng. Với sự phát triển lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thay đổi cách thức quản lý, dạy học, để thích ứng và phát triển hiệu quả hơn. TS Lê Trường Tùng lưu ý.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị cần tăng cường truyền thông để xã hội hiểu đúng, hiểu rõ về giáo dục đại học, giải quyết tốt những bức xúc của dư luận xã hội, đặt lợi ích người học lên hàng đầu, định hướng ngành nghề, công tác tuyển sinh và tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc dạy và học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…
Vượt lên thách thức đáp ứng mục tiêu chất lượng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học, dù trải qua nhiều khó khăn trong những năm qua song với nỗ lực, cố gắng cao độ đã đạt được nhiều kết quả, tạo thêm niềm tin với xã hội, người học và các bên liên quan.
Nhấn mạnh từ khóa “chất lượng”, Bộ trưởng cho rằng, chất lượng vừa là điểm nhấn, vừa là vấn đề cần bàn, cũng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. “Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL. |
Đề cập đến nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục đại học, trong đó thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng”.
Nhắc đến thách thức phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới, gồm đẩy mạnh chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.
Về triển khai tự chủ, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Bộ GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này.
Đối với thách thức tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng lưu ý, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập. Theo đó, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội.
“Chính những thách thức lớn sẽ là cơ hội để đáp ứng được, thoả mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GDĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng bày tỏ./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/giao-duc/nang-cao-chat-luong-kha-nang-thich-ung-cua-giao-duc-dai-hoc-674706.html