Giống lê VH6 (xã Ngân Sơn) cho quả giòn, mọng nước nên được thị trường ưu chuộng. |
Xã Ngân Sơn, nơi có độ cao trung bình lớn và khí hậu quanh năm mát mẻ, người dân vẫn gìn giữ nhiều giống cây bản địa như: Đào, lê, dẻ ván... Cây đào thường cho quả vào tháng 7, có vị ngọt, chua nhẹ, thơm đặc trưng, là món quà quen thuộc của không ít du khách khi dừng chân tại đây; quả lê với vị ngọt dịu, xen chút chát nhẹ, thơm tự nhiên, thời vụ quả bắt đầu tháng 7 cho đến hết tháng 9.
Không chỉ cây ăn quả, xã Ngân Sơn còn nổi bật với cây dẻ ván, loại hạt có vị ngậy, bùi, được người dân thu hái từ tháng 8 trở đi. Đây là sản vật đang được xây dựng thương hiệu, phát triển theo hướng hàng hóa, giá bán bình quân 80.000-100.000 đồng/kg.
Diện tích cây trồng đặc sản vùng phía Bắc tỉnh Thái Nguyên: Hồng không hạt 400ha; cây dẻ ván 200ha; đào, lê hơn 70ha; mơ vàng 700ha; cây có múi (cam, quýt) 3.000ha. |
Đặc sản đào Ngân Sơn được nhiều người ưa thích. |
Cách đó không xa, xã Thượng Minh là thủ phủ của cây bí xanh thơm, loại cây gắn liền với thương hiệu nông sản hồ Ba Bể. Bí xanh thơm có vỏ dày, thịt quả đặc, mùi thơm dịu nhẹ, khi nấu có vị ngọt thanh tự nhiên, là món quà mà bất cứ ai đặt chân đến mảnh đất Ba Bể đều muốn mua về để thưởng thức. Thời vụ thu hoạch bí chủ yếu vào tháng 5, 6, hiện giá loại nông sản này giao động từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Một đặc sản khác là hồng không hạt, hiện phân bố chủ yếu tại các xã: Quảng Bạch, Đồng Phúc, Trần Phú, Na Rì… Giống hồng bản địa có vị ngọt thanh, khi chín vỏ căng bóng, bổ ra thịt quả có phủ lớp đường cát. Thời vụ quả từ tháng 8 đến tháng 10, giá bán dao động 20.000–40.000 đồng/kg tùy loại và thời điểm.
Ngoài ra, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch ở xã vùng cao Thượng Quan cũng là những sản vật đặc trưng mà tỉnh quan tâm bảo tồn, phát triển. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao và phân phối đến các siêu thị, các cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị cây trồng đặc sản. Từ khôi phục giống lúa Khẩu Nua Lếch; thâm canh, cải tạo giống mơ, hồng không hạt; hỗ trợ kỹ thuật trồng bí xanh thơm, dẻ ván… đến việc thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa.
Gia đình chị Triệu Thị Xuân ở thôn Nà Đúc, xã Chợ Rã, mỗi năm bán ra thị trường hàng trăm tấn bí xanh thơm. |
Các chương trình khuyến nông, OCOP đã vào cuộc mạnh mẽ, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đúng thời điểm, cắt tỉa tạo tán, bón phân hợp lý. Bên cạnh đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã được hỗ trợ máy móc sơ chế, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… giúp tăng khả năng nhận diện và thâm nhập thị trường.
Dù đã có nhiều chuyển biến song hiện nay việc phát triển cây trồng đặc sản, đặc hữu vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều diện tích còn canh tác theo phương pháp truyền thống, thiếu thâm canh kỹ thuật, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Một số loại quả như lê, đào, dẻ… thường bị sâu bệnh do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng và khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, dẫn đến thời gian bảo quản ngắn, giá cả bấp bênh và tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn lặp lại ở nhiều nơi.
Để phát triển bền vững, người dân, HTX các địa phương rất cần các cấp, ngành chuyên môn trong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ từ việc quy hoạch vùng trồng theo hướng chuyên canh đến chọn giống phù hợp, đào tạo kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, an toàn.
Cùng với đó là đầu tư vào công nghệ sơ chế, chế biến sâu, bảo quản nông sản sau thu hoạch, thúc đẩy thương mại điện tử và xúc tiến thương hiệu, góp phần nâng giá trị cây trồng đặc sản ở các xã phía Bắc.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/nang-gia-tricay-trong-dac-sancac-xa-phia-bac-87f0a4d/
Bình luận (0)