Miếu thiêng nơi xóm cổ
Ngôi miếu cổ này là chốn linh thiêng đối với cư dân trong vùng. Các nhà khảo cổ, nghiên cứu văn hóa khẳng định xóm Cỏ (nay đổi tên thành làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ) ở tổ dân phố Long Thạnh 2, P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) từng là nơi sinh sống của người Sa Huỳnh cổ gắn với nền văn hóa có niên đại chừng 3.000 năm trước. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích xa xưa. Những kè đá, giếng cổ, con đường lát đá, ngôi miếu… có từ thuở người Chăm Pa (hậu duệ của người Sa Huỳnh cổ) cư trú trên vùng đất này.
Trải qua mưa nắng, miếu bị hư hại trong nỗi xót xa của bao người. Vì vậy, Ban Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã dựng lại ngôi miếu nhỏ bằng thân tre già mọc quanh vườn nhà. Miếu đặt trên tảng đá lớn bên gốc da và bồ đề cổ thụ trăm năm tuổi. “Miếu bị hư hại chỉ còn những đồ thờ cúng bằng gốm đặt trong hốc cây. Năm 2023 chúng tôi mới làm miếu bằng tre để thắp hương…”, bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho biết.
Ngày trước, xung quanh miếu cây cối um tùm khiến nhiều người e ngại khi đến nơi này. Dân trong vùng khi đi gần ngôi miếu phải cúi đầu, im lặng vì sợ làm điều thất lễ với đấng siêu nhiên. Người lớn nhắc nhở trẻ thơ không nên đến gần hoặc gây ồn ào làm ảnh hưởng đến vẻ yên tịnh quanh ngôi miếu khiến nơi đây nhuốm màu huyền bí.
“Nhiều đời ông bà truyền lại là ngôi miếu rất linh thiêng. Vậy nên khi đi ngang qua miếu phải bày tỏ lòng tôn kính, không dám thở mạnh chứ đừng nói là to tiếng…”, bà Bùi Thị Anh (73 tuổi) cho biết.
Nhớ ơn người mở đất
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, chuyên gia khảo cổ, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất này, khẳng định, đó là miếu Thổ Chủ, thờ người Chăm có công khai khẩn vùng đất này. Miếu được xây dựng lần đầu tiên bởi những người Việt đến định cư nơi này từ thuở chúa Nguyễn mở mang đất phương nam. Và đây là nét đẹp văn hóa của cư dân Việt, thể hiện sự tri ân đối với những người có công mở mang đất đai, tạo lập xóm làng.
“Người Việt còn có phong tục cúng tá thổ, tức là cúng người Chăm có công mở đất. Ngày trước, cha tôi và nhiều người duy trì tục lệ tốt đẹp này. Giữa trưa, ông bày biện lễ vật ra vườn rồi thành tâm cúng bái hết sức nghiêm trang…”, tiến sĩ Khôi cho biết thêm.
Hằng ngày, ông Phạm Rổ (64 tuổi, nhân viên bảo vệ nhà trưng bày câu chuyện Công viên di sản làng Gò Cỏ) quẩn quanh bên miếu cổ. Ngày rằm và mùng một âm lịch, ông dâng hoa trái rồi thắp hương cúng bái. Ông quỳ trên tảng đá lớn trước ngôi miếu, miệng lầm rầm khấn nguyện cầu cho gia đình dồi dào sức khỏe, bà con láng giềng yên ổn làm ăn, cuộc sống đủ đầy…
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Không chỉ riêng tôi mà bà con ở đây luôn tôn kính vị thần được thờ trong ngôi miếu như ông bà tổ tiên của mình thờ ở bàn thờ trong nhà. Mình thắp hương khấn vái hy vọng mọi điều tốt đẹp đến với gia đình và mọi người…”, ông Rổ tâm sự.
Bao đời, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn khắc ghi trong tâm trí người Việt. Và, ngôi miếu cổ ở Sa Huỳnh là minh chứng cho sự tri ân của hậu nhân đối với người có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm làng.
Xóm Cỏ có diện tích khoảng 105 ha, nằm giữa những dãy núi bên biển xanh đêm ngày rì rầm sóng vỗ. Độ cao khu vực này không đồng đều, chênh nhau từ 20 – 50m so với mực nước biển. Hơn 60 hộ dân với trên 250 nhân khẩu sống trong những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện giữa cây lá, khung cảnh hoang sơ và thơ mộng. Xóm Cỏ đổi tên thành làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh công nhận đạt hạng OCOP 3 sao vào cuối năm 2022.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngoi-mieu-co-chua-bao-dieu-huyen-bi-nho-on-nguoi-mo-dat-185241021093403588.htm