Levofloxacin thuộc nhóm kháng sinh phổ biến và thường được áp dụng trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Với khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả nên levofloxacin thường được lựa chọn trong các phác đồ điều trị nhiễm khuẩn. Thông tin được cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của levofloxacin, liều dùng và những lưu ý cần thiết để sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn nhất.
1. Thông tin khái quát về levofloxacin
Thuộc nhóm fluoroquinolone, levofloxacin sử dụng phổ biến trong các phác đồ điều trị viêm nhiễm, nhiễm khuẩn. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzyme topoisomerase, là một enzyme cần thiết cho quá trình tái tạo DNA của vi khuẩn, từ đó ngăn chặn sự phát triển và sinh sản của chúng.
Levofloxacin là một kháng sinh có khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả với nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm vi khuẩn Gram dương, Gram âm và một số vi khuẩn kỵ khí. Nhờ vào tính chất này, levofloxacin thường được chỉ định trong các liệu trình điều trị nhiễm khuẩn đa dạng, chẳng hạn như viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa và các nhiễm trùng da.
Levofloxacin viên nén 500 mg
Levofloxacin thường có ở những dạng phổ biến như:
- Viên nén: 250mg, 500mg, 750mg
- Dung dịch tiêm: 500mg/100ml
- Dung dịch uống: 25mg/ml
- Dung dịch nhỏ mắt: 0.5% (5mg/ml)
2. Công dụng của levofloxacin
Nhờ vào hiệu quả kháng vi khuẩn mạnh mẽ, Levofloxacin được áp dụng trong việc điều trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn:
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Viêm phổi do các vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae gây ra. Levofloxacin cũng được chỉ định trong viêm phế quản cấp và mãn tính.
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm ống niệu, viêm thận bể.
- Nhiễm trùng da và mô mềm: Nhiễm khuẩn da, mụn nhọt, mủ, viêm mô tế bào.
- Viêm xoang cấp: Điều trị viêm xoang do các vi khuẩn nhạy cảm.
- Nhiễm khuẩn khác: Viêm kết mạc do vi khuẩn, nhiễm trùng hệ tiêu hóa.
Viêm kết mạc mắt
3. Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Nhiễm trùng hô hấp dưới: viêm phổi mắc phải ngoài cộng đồng, viêm phế quản cấp tính và mãn tính.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng và không biến chứng bao gồm các tình trạng như viêm thận – bể thận.
- Nhiễm trùng da và mô mềm.
- Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn.
- Nhiễm trùng mắt do vi khuẩn.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với levofloxacin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Trẻ em dưới 18 tuổi: Do có thể gây tác động không tốt đến sự phát triển của hệ xương và khớp.
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ cho con bú cần thận trọng khi sử dụng Levofloxacin, có thể gây những tác động tiêu cực đến trẻ nhỏ.
- Những người mắc các bệnh về gân cơ
4. Hướng dẫn cách dùng levofloxacin
Liều dùng:
Với mỗi loại bệnh và tình trạng nặng nhẹ khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc theo phác đồ. Dưới đây là liều dùng tham khảo thường được sử dụng trong các bệnh:
Loại nhiễm trùng |
Liều dùng |
Thời gian điều trị |
Nhiễm khuẩn đường hô hấp |
||
– Đợt bùng phát của viêm phế quản mạn tính |
500 mg/lần mỗi ngày |
7 ngày |
– Viêm phổi mắc phải ngoài cộng đồng |
500 mg, 1-2 lần mỗi ngày |
7-14 ngày |
– Viêm xoang cấp do vi khuẩn |
500 mg/lần mỗi ngày |
10-14 ngày |
Nhiễm khuẩn da và mô mềm |
||
– Có biến chứng |
750 mg/lần mỗi ngày |
7-14 ngày |
– Không có biến chứng |
500 mg/lần mỗi ngày |
7-10 ngày |
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu |
||
– Có biến chứng |
250 mg/lần mỗi ngày |
10 ngày |
– Không có biến chứng |
250 mg/lần mỗi ngày |
3 ngày |
– Viêm thận – bể thận cấp |
250 mg/lần mỗi ngày |
10 ngày |
Bệnh than |
||
– Dự phòng sau phơi nhiễm |
500 mg/lần mỗi ngày |
8 tuần |
– Điều trị bệnh than |
Truyền tĩnh mạch sau đó chuyển uống khi có thể, liều 500 mg/lần mỗi ngày |
8 tuần |
Điều trị nhiễm khuẩn đường mật |
500 mg/lần mỗi ngày, truyền tĩnh mạch hoặc uống. |
Tùy theo chỉ định |
Liều dùng cho bệnh nhân bị viêm thận, suy thận
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) |
Liều ban đầu |
Liều duy trì |
Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận bể cấp: |
||
≥ 20 |
250 mg |
250 mg/24 giờ |
10-19 |
250 mg |
250 mg/48 giờ |
Chỉ định khác: |
||
≥ 50 |
Không cần chỉnh liều |
|
20-49 |
500 mg |
250 mg/ 24 giờ |
10-19 |
500 mg |
125 mg/ 24 giờ |
Thẩm tách máu |
500 mg |
125 mg/ 24 giờ |
Thẩm phân phúc mạc liên tục |
500 mg |
125 mg/24 giờ |
Cách dùng:
- Đường uống: Levofloxacin có thể được sử dụng cả khi đang ăn hoặc khi đói mà không gặp phải sự ảnh hưởng nào từ thực phẩm. Tuy nhiên, để không làm giảm khả năng hấp thu của levofloxacin, cần kiêng sử dụng các antacid chứa nhôm và magie, cũng như các sản phẩm có kim loại nặng như sắt, kẽm, sucralfat hoặc didanosin trong khoảng thời gian 2 giờ trước và sau khi dùng thuốc.
- Đường tiêm: Levofloxacin chỉ được truyền tĩnh mạch chậm, thời gian truyền phụ thuộc vào liều dùng:
– Liều 250 mg hoặc 500 mg: truyền trong 60 phút
– Liều 750 mg: truyền trong 90 phút
– Không được phép thực hiện tiêm bắp, tiêm vào ống sống, tiêm phúc mạc hay tiêm dưới da khi sử dụng thuốc này.
- Dung dịch truyền tương hợp: Levofloxacin với nồng độ 5 mg/ml trong dung dịch dextrose 5% có thể dùng trực tiếp không cần pha loãng. Dung dịch levofloxacin với hàm lượng 500 mg/20 ml cần phải pha loãng với các dung dịch tương hợp (ví dụ: dung dịch dextrose 5%, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer Lactat, nước cất pha tiêm).
Dung dịch levofloxacin tiêm truyền
5. Tác dụng không mong muốn của levofloxacin
Như mọi loại thuốc kháng sinh khác, levofloxacin có thể gây ra một số tác dụng phụ. Những tác dụng phụ phổ biến và thường gặp bao gồm:
- Cảm giác buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng.
- Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ
- Sưng đỏ, phản ứng tại chỗ tiêm.
Ít gặp
- Chóng mặt, cảm giác lo lắng, kích động.
- Đau vùng bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn mửa, táo bón.
- Tăng nồng độ bilirubin trong máu.
- Viêm nhiễm âm đạo, nấm candida sinh dục.
- Phát ban, ngứa ngáy.
Hiếm gặp
- Huyết áp thay đổi (tăng hoặc hạ), rối loạn nhịp tim.
- Viêm niêm mạc dạ dày, viêm đại tràng màng giả, khô miệng và sưng tấy lưỡi.
- Đau nhức cơ và khớp, viêm gân, tổn thương gân, viêm tủy xương.
- Co giật, ác mộng, các vấn đề tâm thần như trầm cảm, ảo giác.
- Phù mạch, sốc phản vệ
Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ.
6. Lưu ý trong quá trình dùng thuốc
Tương tác thuốc
Levofloxacin khi kết hợp với một số loại thuốc khác có thể xảy ra tương tác. Điều này có thể giảm hiệu quả điều trị hoặc làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân cần cẩn trọng và tránh kết hợp levofloxacin với những loại thuốc khác.:
- Thuốc kháng acid (chứa nhôm, magiê): Giảm hấp thu levofloxacin.
- Thuốc chống đông máu như warfarin: Gia tăng nguy cơ chảy máu.
- NSAIDs: Gia tăng nguy cơ co giật khi dùng đồng thời với levofloxacin.
- Các thuốc hạ đường huyết: Dùng đồng thời với levofloxacin có thể làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, cần giám sát chặt chẽ.
Người cao tuổi bị đau nhức xương khớp
Quên liều, thiếu liều, và quá liều
- Quên liều: Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu gần đến giờ uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã lỡ và tiếp tục sử dụng thuốc theo đúng lịch trình.
- Thiếu liều: Đừng tự ý uống hai liều cùng lúc để bù cho liều đã quên, vì điều này có thể dẫn đến quá liều và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
- Quá liều: Nếu uống quá liều, hãy đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng như co giật hay rối loạn nhịp tim..
Levofloxacin là một kháng sinh có phổ tác dụng rộng với khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, việc sử dụng levofloxacin cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ và những tương tác thuốc không mong muốn. Hy vọng bài viết này đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết giúp bạn hiểu rõ hơn về levofloxacin, từ đó sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.
Để được tư vấn kỹ lưỡng về việc sử dụng thuốc và thăm khám, kiểm tra sức khỏe, bạn hãy đến ngay Hệ thống y tế MEDLATEC, đội ngũ bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm sẽ tận tình tư vấn, giải đáp cho bạn. Liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và đặt lịch khám nhanh chóng!
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-dieu-can-biet-ve-levofloxacin-khang-sinh-pho-rong