Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống dịch vụ đã và đang được đầu tư đồng bộ, Bắc Giang phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Bắc Giang, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 112- NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tất cả các tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6 nghìn lao động. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bắc Giang thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững, đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm.
Du khách sử dụng dịch vụ xe điện tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Ảnh: Internet
Có thể nói, dư địa cho phát triển du lịch của Bắc Giang còn lớn. Việc đặt vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng lúc này vừa phù hợp và tận dụng được cơ hội, xu hướng phát triển du lịch nói chung, vừa phù hợp với thực tiễn tỉnh ta. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia phát triển du lịch; làm tốt công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng lớn.
Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hợp tác, liên kết phát triển du lịch…
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 3 loại hình du lịch chính là: Văn hóa tâm linh, lịch sử-văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện Bắc Giang có hơn 700 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó có 103 di tích cấp quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Bắc Giang được du khách yêu thích như: Địa điểm chiến thắng Xương Giang, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven…
Tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, huyện Lục Nam – khu vực phía Đông Nam của tỉnh); Không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên – khu vực phía Tây Bắc của tỉnh); Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên – khu vực trung tâm và phía Nam của tỉnh); Không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam – khu vực phía Đông Bắc của tỉnh); Không gian văn hóa Quan họ (huyện Việt Yên, huyện Hiệp Hòa – khu vực Tây Nam của tỉnh).
Quy hoạch khu du lịch vui chơi, giải trí, thể thao gắn với dãy núi. Ảnh: Internet
Từ nay đến năm 2025, Bắc Giang quy hoạch phát triển, hình thành ít nhất 1 khu du lịch quốc gia, đẩy nhanh hoàn thiện xây dựng Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, xây dựng một số sân golf mới, sân golf và dịch vụ Yên Dũng giai đoạn tiếp theo, thu hút đầu tư xây dựng quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái thể thao và vui chơi, giải trí, một số khu dịch vụ, khách sạn cao cấp tại thành phố Bắc Giang.
Tỉnh sẽ huy động nguồn lực, tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm như xây dựng Trung tâm Văn hóa – Hội chợ – Triển lãm tỉnh, sân vận động tỉnh, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh…; hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và hình thành các dự án du lịch đã có (Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm – Phượng Hoàng…); thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư vào du lịch Khuôn Thần, Nham Biền, Đồng Cao, Suối Mỡ…; tăng năng lực phục vụ lưu trú du lịch; quy hoạch, đầu tư mở rộng các di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, di tích khởi nghĩa Yên Thế…/.
Diêm Giang