Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, thành phố Vĩnh Yên đang từng bước thúc đẩy thương mại, dịch vụ (TMDV) phát triển xứng tầm với vị trí đô thị trung tâm; trở thành ngành mũi nhọn, trụ cột trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Co.opmart Vĩnh Phúc luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Kim Ly
Những năm gần đây, hoạt động TMDV trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng hàng hóa phong phú và lưu thông tốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Doanh thu các ngành dịch vụ của thành phố có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp hơn 20% giá trị sản xuất ngành dịch vụ toàn tỉnh. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành dịch vụ của thành phố đạt hơn 10.700 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2022.
Tuy nhiên, thành phố chưa khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ - thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe…; các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhiều nhưng chưa hiệu quả; hạ tầng thương mại phát triển chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…
Để tạo động lực mới cho ngành TMDV, thành phố đã xây dựng và triển khai Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ thành phố Vĩnh Yên, giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, TMDV và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
Với mục tiêu đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn tạo thành các chuỗi, tour du lịch.
Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch đa dạng, phong phú với quy mô và loại hình khác nhau, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Trên địa bàn thành phố đã hình thành các quần thể du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng, hội thảo tại Sông Hồng Resort, khách sạn DIC Star, khách sạn Westlake, khách sạn Crowne Plaza, khách sạn Royal Huy...
Nhiều dự án được đưa vào khai thác như Văn Miếu, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh... thu hút du khách khi đến Vĩnh Yên.
Thành phố xây dựng 3 tuyến phố đi bộ, ẩm thực tại đường Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền; phố đi bộ đường Hai Bà Trưng, phường Khai Quang và phố An Bình, phường Hội Hợp... tạo điểm nhấn thu hút người dân và du khách.
Cùng với đó, hoạt động dịch vụ ăn uống được đầu tư, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều nhà hàng có địa điểm rộng, cung cấp các loại hình dịch vụ ăn uống bình dân và cao cấp phục vụ người dân và du khách.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 7 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; 110 cơ sở lưu trú du lịch với 2.267 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 27 khách sạn 1 đến 2 sao, và 52 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn. Số cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn là 216 cơ sở.
Thành phố cũng tích cực triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được xếp hạng để phục vụ phát triển du lịch tâm linh như tu bổ, tôn tạo các di tích chùa Tích Sơn, đình Đông Đạo, chùa Hà Tiên; đầu tư nâng cấp nhà, mộ cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bằng nguồn vốn xã hội hóa…
Nhân viên Siêu thị Điện máy Xanh (Vĩnh Yên) tận tình tư vấn khách hàng lựa chọn sản phẩm. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Yên là một trong những địa điểm được lựa chọn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch của tỉnh và cả nước như tổ chức đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới năm 2022, các giải thể thao quốc gia, quốc tế... góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc nói chung và thành phố Vĩnh Yên nói riêng.
TMDV phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng với hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn như Siêu thị Co.opmart, Go!, Media mart, các siêu thị điện máy, hệ thống cửa hàng Winmart+, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
UBND thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như xây dựng website “Cộng đồng doanh nghiệp thành phố” cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt Nam… nhằm giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường cơ hội giao lưu, tìm kiếm đối tác, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kiến thức pháp luật trong kinh doanh, văn minh thương mại, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.
Công tác quản lý Nhà nước về TMDV được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.
Đẩy mạnh phát triển TMDV, xứng tầm đô thị trung tâm, thời gian tới, thành phố tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh lưu thông, phân phối hàng hóa; tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các ngành TMDV.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hoàn thành các dự án chợ, trung tâm thương mại…; triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ, du lịch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo kỷ cương và môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh thương mại, ứng xử có văn hóa, đạo đức trong kinh doanh, kết hợp hài hòa giữa phát triển dịch vụ và du lịch, tạo điểm nhấn cho thành phố.
Bạch Nga
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/114119/Phat-trien-thuong-mai---dich-vu-xung-tam-do-thi-trung-tam
Bình luận (0)