Món để dành
Ở cái xứ lắm mưa nhiều nắng, người Quảng lo xa cho bữa cơm đến tận… mùa bão lụt năm sau. Những ngày còn nắng ráo, cha tôi đi quanh xóm bứng vài cây chuối con về trồng. Để đến mùa mưa bão sang năm có cái mà xào nấu cho bầy con. Mấy đứa nhỏ khúc khích cười cái sự lo xa của cha. Có biết đâu rằng, những ưu tư cứ đầy lên mắt cha, oằn dáng mẹ.
Còn nhớ cơn đại hồng thủy năm 1999, sau khi nước rút ruộng vườn xơ xác. Sót lại buồng chuối gãy, mẹ chặt vào dựng nơi góc bếp. Củi ẩm nước khói cay xè cả chái bếp.
Mẹ ra giếng múc gàu nước đổ vào chiếc thau nhôm, thêm nhúm muối hột quậy cho tan. Cắt vài trái chuối già, tước phần vỏ ngâm vào thau nước muối loãng để chuối không bị đen khi chế biến. Rửa sạch chuối xắt lát mỏng. Mẹ bắc chảo dầu phụng lên bếp, phi thơm chút nén rồi cho chuối vào đảo đều, thêm chút nước lọc, đậy vung liu riu lửa nhỏ.
Tranh thủ lúc này, mẹ ra mé giếng xem đám lá lốt còn sót ngọn nào thì hái vào rửa sạch, xắt sợi. Khoảng mươi phút chuối đã chín mềm, dẻo thơm, mẹ nêm nếm gia vị cho vừa miệng, rắc lá lốt rồi nhắc xuống. Bữa cơm sau lũ, rau thịt chẳng có, món chuối xào giản đơn nhưng ấm bụng sau mấy ngày cheo leo trên gác xép chạy lụt.
Bây giờ sống nơi phố thị, mỗi khi đi chợ tôi cũng thường ngó nghiêng tìm hàng rau nào bán chuối già nhưng rất hiếm. Thi thoảng, mua được nải chuối xanh, thể nào cũng xào chay với lá lốt.
Mùi nhớ
Mùi nhớ cứ ẩm ương như buổi giao mùa. Cha đã về miền mây trắng, vườn xưa không còn nghe tiếng mưa lộp độp gõ tàu lá chuối. Mẹ già biết mấy đứa con xa nhà thương vị quê, có dịp lại lọ mọ nấu món ốc bươu um chuối.
Cánh đồng trước mặt nhà ốc bươu đen đã vắng, chỉ còn ốc bươu vàng. Mẹ mua được mớ ốc ngâm nước vo gạo qua đêm rồi chà rửa sạch, lấy phần thịt bên trong bỏ ruột. Thịt ốc mẹ cẩn thận rửa với muối cho sạch nhớt, để ráo. Chuối xanh cắt khúc. Rồi mẹ ra vườn bới bụi nghệ, hái lá lốt, tía tô, bẻ thêm trái ớt đầy nắm tay đem vào rửa sạch.
Nhìn cách mẹ lọ mọ ra vườn hái các loại gia vị, rau mùi, càng thương hơn món ngon từ tay người già.
Mẹ bảo, món này phải có nghệ mới dậy mùi và ốc không bị tanh. Ốc được ướp với nén, nghệ tươi, hành củ giã nhuyễn, thêm hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, tiêu.
Cho dầu phụng vào chảo, phi thơm nén, cho ốc vào xào săn rồi chế ít nước sôi để lửa nhỏ, thêm chuối vào nấu chín, rắc rau mùi nhắc xuống múc ra tô. Ốc bươu um chuối ăn với cơm nóng hay bún đều ngon. Có hôm cha câu được con cá lóc, mẹ nấu món cá um chuối cũng thấm vị.
Mùa mưa bão lại tới. Bão lũ không còn diễn ra theo quy luật cố định ở dải eo đất trườn mình về phía biển. Nhiều đời, nhiều năm, những kinh nghiệm chạy lụt, chạy bão được tích cóp từng chút một, như cái cách cha đã trồng một cây chuối sau vườn từ những ngày nắng ráo.
Là hôm nghe tiếng rao “ai cá cơm không” từ người quen tuốt Duy Hải chở lên, mẹ lại vội vàng xách rổ mua vài cân về muối mắm. Hũ mắm cái muối mặn để dành cho mùa mưa.
Những cơn mưa bắt đầu ngang qua phố. Từ quán quen, giọng ca Ngọc Lan da diết: “Mùa đông sắp đến trong thành phố/ Buổi chiều trời lạnh/ Heo may từng cơn gió/ Bước chân về căn gác nhỏ/ Nhìn xuống công viên”… (Mùa đông sắp đến trong thành phố – Đức Huy). Trong tôi, vị của buồng chuối gãy lại dậy lên. Lo toan cho mùa mưa chẳng chừa một ai ở xứ này…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/vi-cua-buong-chuoi-gay-3141934.html