Yếu tố con người và vai trò người lãnh đạo trong chuyển đổi số
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cần: “Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 ngày 12/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, vì vậy, cần có đột phá chiến lược cho chuyển đổi số. Đó là đột phá về thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số và cán bộ số”.
Còn theo ông Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Để đáp ứng được mục tiêu kép nêu trên, rất cần xây dựng và nâng cao các năng lực số cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân để có thể xây dựng thành công chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số một cách tương ứng. Các khung năng lực số cần được điều chỉnh liên tục theo thời gian và qua áp dụng trong thực tế.
Nhìn rộng ra toàn cầu, ông Trương Gia Bình cho rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực về công nghệ. Thế giới thiếu hàng triệu lao động trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và phần mềm. Đặc biệt, thế giới thiếu nhiều triệu lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thế nên, việc trọng yếu nhất là vấn đề đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, và làm thế nào trong thời gian ngắn nhất Việt Nam có hàng triệu lao động cho thế giới.
“Tỷ phú Jensen Huang, CEO Nvidia đã nói: Khi Việt Nam làm điều đó thì hiển nhiên Việt Nam đứng vào hàng các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Cho nên, có thể nói, sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên này phụ thuộc vào thành bại của ngành giáo dục. Giáo dục phải đồng hành với tất cả những thay đổi chiến lược của đất nước và phải thay đổi cực kỳ mạnh mẽ, có tính chất thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam”, ông Bình cho hay.
Theo ông Trương Gia Bình, Chính phủ đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự bán dẫn, nhưng làm thế nào để có đủ nhân sự này. Hơn nữa, để phục vụ thế giới, nhân sự bán dẫn phải đạt tới con số hàng triệu. Bởi vậy, ông Bình cho rằng, trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, với sự có mặt của trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ hệ thống giáo dục về chất lượng và phương thức giáo dục, đào tạo, và phải đưa trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy, để sinh viên, học sinh có thể học nhanh hơn, tốt hơn.
Về yếu tố con người, ông Trương Gia Bình cho biết thêm, kinh nghiệm mà FPT chia sẻ với nhiều doanh nghiệp công nghệ số là, muốn chuyển đổi số cần phải nắm nguyên tắc 3H (Heart – Head – Hand), phải chinh phục được trái tim, khối óc và bàn tay của tất cả mọi người. Cho nên đòi hỏi người lãnh đạo phải có cam kết cao nhất.
Tiếp theo, để thay đổi phương thức sản xuất, từng người phải thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và biến thành những sáng tạo của nhân dân. Cho nên phải có ứng dụng 3C (Community – Content – Communicate), tức là các doanh nghiệp phải tạo dựng những nhóm nhỏ, giao tiếp thường xuyên, chia sẻ về việc chúng ta có thể sáng tạo ra cách làm nào.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về chuyển đổi số, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, muốn thay đổi phương thức sản xuất, yếu tố con người rất quan trọng. Nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm rất chú trọng đến con người, đến cán bộ đứng đầu, cho nên, đánh giá kết quả chuyển đổi số ở một đơn vị phải đánh giá người đứng đầu.
“Cán bộ số thì đầu tiên là người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng. Kết quả chuyển đổi số của các đơn vị là tiêu chí đánh giá cán bộ, người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông nhấn mạnh: Muốn chuyển đổi số thành công, phải tiến hành một cuộc cách mạng sâu sắc và triệt để cả trong nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, trước hết là nhận thức, tư duy của người lãnh đạo.
Gần đây, để đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng. Từ 1/1/2023 đến 15/8/2024, Bộ đã tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên nền tảng này cho hơn 81.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 84 khóa học cho hơn 173.500 cán bộ học viên. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức 2 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) tại các địa phương.
Đến nay, nền tảng đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập các khóa học. Trung bình mỗi ngày tăng 2.000-3.000 lượt truy cập. Điều đó cho thấy, nhiều người Việt Nam đã có ý thức tự học về kỹ năng số, tạo hành trang cho mình để tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết: “Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”. Và đây chính là điều kiện đầu tiên giúp cuộc cách mạng chuyển đổi số thành công.
Nguồn: https://nhandan.vn/bai-5-tao-dung-cac-dieu-kien-vung-chac-de-tien-hanh-thanh-cong-cach-mang-chuyen-doi-so-post842628.html