Powered by Techcity

Chùa Phước Lâm, vang bóng một thời


Chùa Phước Lâm nay.

Nhớ lại cách nay vài năm, khi nhà cổ Đốc phủ sứ ở kề bên được công nhận- cũng di tích LS-VH cấp tỉnh- thì có hẳn một buổi lễ công bố và trao bằng long trọng lắm! Lễ có cả Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cùng đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đến dự. 

Vậy mà dù có bằng suốt gần 20 năm qua, chùa Phước Lâm vẫn chưa được hưởng niềm vinh dự ấy! Trách nhiệm này thuộc về ai? Xin mỗi bên tự kiểm tra, xem xét. Để quyết định pháp lý của cơ quan hành chính cao nhất tỉnh Tây Ninh được thi hành.

Cái sự nghèo, và neo ở chùa này là sự thật. Từ lâu nay, chùa chỉ có một vị sư trụ trì tuổi cao sức yếu cùng một học trò mà thôi. Chùa không còn người đến cúng bái, lễ phật thì cũng chẳng lấy đâu ra nguồn tài lực nào trợ giúp. Chỉ khi nào chùa bị xuống cấp, hư hại nhiều thì các chùa núi Bà mới thuê thợ về tu sửa giúp. Do vậy mà chùa vẫn gắng gượng giữ được cái vỏ kiến trúc. Cùng một phần hồn xưa từng vang bóng một thời.

Cái phần hồn này vẫn còn phảng phất đâu đây thôi! Không chỉ ở trong các cuốn sử sách Tây Ninh xưa, mà còn có mặt ở khắp nơi. Chỉ có điều từ lâu nay, nó vẫn âm thầm lặng lẽ, bởi không mấy người đến xem, đánh thức nó dậy sau một giấc ngủ dài trăm năm có lẻ. 

Đấy là trong phần nhà phụ rộng dài vẫn còn hàng chục bộ ván kê trên ghế ngựa từng là nơi ngủ nghỉ cho hàng trăm khách hành hương đến từ các tỉnh xa. Đấy còn là vô số những vật dụng phục vụ cho số đông người. Như những cái lu nước men da lươn đựng được vài trăm lít nước. 

Hoặc có những cái bình đựng nước uống bằng sứ tráng men đựng được tới 10 lít, có gắn vòi rô-mi-nê cho người uống. Vật dụng sản xuất để cung cấp lương thực cho chùa núi cũng còn. Đấy là một cái hòm quạt thóc… Tất cả đều là chứng tích của một thời chùa Phước Lâm là “tiền trạm” của chùa Bà đông đúc khách hành hương.

Không chỉ có vật dụng xưa, chùa Phước lâm còn lưu giữ nhiều vật thể mang tính lịch sử của riêng mình, của cả khu di tích cấp quốc gia ở núi Bà Đen. Mà đáng kể nhất chính là pho tượng Bà Linh Sơn Thánh mẫu bằng đồng. Đây chính là ngôi tượng cổ nhất, vốn được thờ tại Điện Bà trên núi. Pho tượng mà trong bài trước có đoạn: “Đây là pho tượng đồng có nhiều huyền thoại đi kèm”. Và cũng vì huyền thoại này mà số phận của tượng trở nên long đong, lận đận.

Về huyền thoại, sách Tây Ninh xưa (1973) chép: “Trong giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh mông trần tẩu quốc tại miền Nam, Bà vẫn thường hiển linh hộ trợ cho. Do đó, sau khi lên ngôi, vua Gia Long truyền cho quan quân địa phương đúc cốt bà Đênh bằng đồng đen mà thờ tại động trên non linh…”. 

Cũng do huyền thoại mà pho tượng này từng bị mất, lưu lạc suốt 9 năm. Huỳnh Minh có kể lại chuyện này trong sách Tây Ninh xưa, xin tóm tắt lại như sau: Khoảng năm 1945-1946 giặc Pháp đã lên chiếm đóng ở núi Bà. Do bức tượng bằng đồng đen (huyền thoại) hoặc bằng vàng (do màu sắc) nên chúng trộm lấy, đem xuống núi bán cho một quán rượu ở chợ Tây Ninh. 

Sau đấy, do đã biết tượng không phải vàng, cũng chẳng là đồng đen, nên chúng gửi lại quán. Ít lâu sau, thì chủ quán đem pho tượng đến tặng lại cho chùa của “bà dân biểu Tô Văn Qua”. Chùa này lại ngỡ tượng Phật bà Quán Thế Âm, không biết đấy chính là pho tượng Bà Linh Sơn thánh mẫu. 

Từ đó, tượng bà nằm ở đây suốt 9 năm trời (từ khoảng năm 1947). Sau có người đến nhận ra, báo cho các vị sư trụ trì các chùa núi đến xin về. Từ đó, pho tượng được rước về núi. Sau, do tình hình chiến sự tiếp tục diễn ra nên tượng lại được đem về chùa Phước Lâm thờ cúng và còn đến ngày nay.

Câu chuyện trên, chỉ có một chỗ nhầm lẫn. Là tên người chủ chùa. Thật ra, bà “dân biểu” kể trên chính là Bùi Thị Đặng, vợ của ngài Tỉnh trưởng Tô Văn Hoa vào thời Pháp thuộc. Còn ngôi chùa do bà xây dựng chính là chùa Thiên Ấn, nay đã không còn.

Hiện pho tượng cổ và quý giá này được lồng trong hòm kính đặt trong khánh thờ trong gian riêng thờ Bà tại chùa Phước Lâm. Đấy là pho tượng đồng, có màu kim loại vàng, cao khoảng 60 cm. Dấu vết của thời lưu lạc vẫn còn qua một vết lõm (có thể do đạn bắn) ở mặt sau phần đế tượng. 

Điều đặc biệt nhất là tượng được chế tác theo lối tả thực. Với hình tượng giản dị, rất gần với chân dung một phụ nữ miền Nam. Tư thế ngồi: chân trái xếp bằng, gối phải chống lên, bàn tay phải đặt ở trên, còn bàn tay trái cầm một đoá sen. Gương mặt tượng bình dị với mũi thẳng, mày cong, mắt dõi nhìn xa xăm phía trước. 

Mái tóc Bà cũng được bới cao, với vành khăn buộc. Chỉ giản dị vậy thôi! Nhưng rõ ràng đây là pho tượng cổ duy nhất mô tả Bà như thế. Bởi các pho tượng Bà về sau, ở Phước Lâm, hay ở núi, hoặc ở các ngôi chùa khác thì Bà đã được “ngồi” trên ngai với mão, áo, vật trang sức thường là cầu kỳ, lộng lẫy.

Và, không chỉ có vậy. Do công đức của nhiều đời các vị chân tu, cũng như đông đảo phật tử, khách hành hương mà chùa Phước Lâm còn sở hữu nhiều pho tượng gỗ cổ và quý giá. Đấy là các pho: Thập điện Diêm Vương, Sư tổ Đạt Ma, Quán Thế Âm bồ tát, Long Thần Hộ pháp, Địa Tạng Vương… và cả bộ ba: Quan Công, Châu Sương và Quan Bình. 

Trong đó có cả hình tượng Quán Thế Âm là Quan Âm Thị Kính bồng con. Đặc sắc nhất của bộ tượng này là 3 pho tượng ngồi ở cấp thứ hai (từ trên xuống) của bàn thờ chính. Ở giữa là pho đức Phật Thích Ca ngồi thiền định. Hai bên là bồ tát Văn Thù và bồ tát Phổ Hiền. Tượng cao khoảng từ 1m40 đến 1m60, được sơn thếp màu vàng đồng. 

Các vị cũng có phong cách giản dị như pho tượng đồng của Bà Linh Sơn thánh mẫu, trong tư thế ngồi thiền, không có một bệ sen nào cả. Kể từ trang phục cho đến đường nét chân dung đều được tả thực, rất gần gũi với con người Nam bộ xưa. 

Họ như vừa bước lên từ nương rẫy, trảng, giồng hay cánh đồng Nam bộ. Để rồi bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (thơ Nguyễn Đình Thi) trên ban thờ chùa Phước Lâm. Ngôi chùa còn được mang tên làng Vĩnh Xuân, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Tây Ninh.

Trần Vũ



Nguồn: https://baotayninh.vn/chua-phuoc-lam-vang-bong-mot-thoi-a182121.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HƠN 200 VẬN ĐỘNG VIÊN TRẺ TÂY NINH ĐƯỢC TRANG BỊ KIẾN THỨC GIÁO DỤC GIỚI TÍNH VÀ PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Tối 29/11/2024, Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao Tây Ninh tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề về giáo dục giới tính và phòng chống tác hại của thuốc lá. Tham dự chương trình, hơn 200 vận động viên trẻ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao đã được bác...

Lộ diện Quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng MC nhí” mùa 6

Tối 24.11, tại phim trường Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh diễn ra vòng chung kết chương trình “Tìm kiếm tài năng MC nhí” mùa 6 năm 2024. Nguồn: https://baotayninh.vn/lo-dien-quan-quan-cuoc-thi-tim-kiem-tai-nang-mc-nhi-mua-6-a182008.html

Tin nổi bật

Tin mới nhất