(MPI) – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô về việc nghiên cứu, đề xuất để Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo các hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; trong đó, tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, xác định tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau hơn 04 năm thi hành Luật Đầu tư công năm 2019 và xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật này.
Theo dự thảo báo cáo, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020. Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, nhằm tạo điều kiện để sớm áp dụng các quy định của Luật, tăng cường cải cách, đổi mới trong quản lý đầu tư công, phù hợp với thời điểm hiệu lực của Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 được áp dụng quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.
Trong quá trình triển khai các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 từ thời điểm có hiệu lực đến nay, các pháp luật điều chỉnh cho hoạt động đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và đầu tư công nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề mới để thực hiện thắng lợi mục tiêu Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật, trong đó đối với Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm c sử dụng vốn vay ODA và ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Ban hành các Luật điều chỉnh trực tiếp đối với hoạt động đầu tư công như: Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 với nhiều đổi mới, tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu như bổ sung quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bổ sung một số trường hợp được áp dụng chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác. Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu theo hướng, đẩy mạnh đẩu thầu qua mạng, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu…
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/8/2025 đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó đã quy định cụ thể các trường hợp dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… tạo điều kiện để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vốn là điểm nghẽn cố hữu của việc thực hiện dự án đầu tư công có yêu cầu thu hồi đất.
Luật Đường bộ số 35/2024/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã cụ thể hóa và quy định các quan điểm, chính sách liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc theo hướng đa dạng hóa hình thức quản lý, đầu tư dự án, huy động nguồn lực và năng lực quản lý của các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ban hành Luật Thủ đô năm 2024 và các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 09 địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm”, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 “xây dựng cơ chế, chỉnh sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với một số địa phương có điều kiện, đặc biệt là các đô thị lớn nhằm huy động các nguồn thu, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn”, tạo ra những điều kiện thuận lợi, chính sách đặc thù để địa phương bứt phá nhanh, đóng góp ngân sách nhiều hơn và là đầu tàu lôi kéo các tỉnh xung quanh cùng phát triển. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tổng kết, đánh giá và ban hành cơ chế chung áp dụng trong phạm vi cả nước.
Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới. Chính phủ đã chủ động ban hành theo thẩm quyền các Nghị định hướng dẫn về quản lý đầu tư xây dựng, hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trình tự thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Sửa đổi các nội dung vướng mắc về các thủ tục, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục cho vay lại… các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ban hành 03 Nghị định của Chính phủ và 22 thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công các năm trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã tổ chức rà soát, xác định được 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công, từ đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.
Việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 về cơ bản đã thống nhất, đồng bộ với quy định của các pháp luật chuyên ngành khác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đơn giản hóa trình tự, thủ tục. Một trong số các quan điểm, tư tưởng nổi bật của Luật Đầu tư công năm 2019 là việc phân cấp, phân quyền triệt để cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương, từ việc lựa chọn danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên triển khai trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương mình, nhu cầu và khả năng triển khai thực tế trong giai đoạn trung hạn 05 năm cho đến việc phân bổ vốn để triển khai trong kế hoạch hằng năm trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao và khả năng thực hiện trong năm kế hoạch.
Luật cũng đã đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc chủ động hoàn thiện thủ tục đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án do bộ, cơ quan, địa phương mình quản lý, phù hợp với dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn được cấp có thẩm quyền thông báo cho giai đoạn tiếp theo.
Gắn với việc phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư công, Luật cũng đã đơn giản hóa, cắt giảm các trình tự, thủ tục không cần thiết hoặc còn mang tính hình thức nhằm hướng đến việc triển khai kế hoạch thuận lợi nhất. Luật đã đơn giản hóa, cắt giảm các quy trình mà trước đây phải thực hiện ở cấp Trung ương như giao kế hoạch trung hạn và hằng năm; điều chỉnh kế hoạch trung hạn và hằng năm;…
Luật Đầu tư công năm 2019 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; quy định cụ thể khái niệm nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và quan trọng nhất quy định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là một trong số các đối tượng không phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Qua đó, đã làm rõ căn cứ để bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giải quyết được vướng mắc về căn cứ, thẩm quyền bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án, tăng cường tính chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Dự thảo cũng nêu các kết quả về xây dựng, giao và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tham mưu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của toàn quốc, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định một số nội dung chủ yếu về mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn, nguyên tắc bố trí vốn, giải pháp thực hiện,… và giao Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho từng bộ, cơ quan, địa phương theo nguồn vốn và cụ thể ngành, lĩnh vực đối với vốn NSTW.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số. Quá trình tổng hợp, rà soát, lập, trình cấp có thẩm quyền giao và quản lý phân bổ, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được thực hiện toàn bộ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đồng thời cắt giảm các trình tự, thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và giảm thiểu tiêu cực. Bên cạnh đó, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước đã giúp chủ đầu tư giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại giao dịch của chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, hằng tháng trên Hệ thống và trên phương tiện thông tin đại chúng, Chính phủ công khai tỷ lệ giải ngân vốn của cả nước, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước để theo dõi, giám sát cũng là căn cứ để các bộ, cơ quan trang ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp tổ chức đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và người đứng đầu, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai kế hoạch được tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Một số nội dung còn chồng chéo giữa các luật, có cách hiểu khác nhau hoặc chưa được quy định rõ; trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện trong một số trường hợp còn chậm gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện; một số quy định còn chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, gây lúng túng trong triển khai; Chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chưa bảo đảm yêu cầu, việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn mang tính hình thức, chủ yếu để đủ điều kiện bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm và thực hiện nhiều lần mặc dù Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp triệt để.
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định phân bổ nhiều lần trong năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.
Việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công nói chung. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Năng lực của Ban Quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế.
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết kịp thời, thủ tục đấu thầu kéo dài, giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng, khan hiếm, thiếu nguyên vật liệu, đất đắp nền. Kết quả thực hiện trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-8-9/The-che-ve-dau-tu-cong-tiep-tuc-duoc-sua-doi-bo-sux9cd17.aspx