Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng khẳng định vai trò là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế số. Hoạt động mua bán trực tuyến góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển TMĐT nhanh chóng cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý nhà nước...
Tiện ích từ việc mua, bán trực tuyến
Trong dòng chảy của kinh tế số, TMĐT đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động TMĐT giúp các DN, hộ kinh doanh giảm bớt chi phí mặt bằng và không hạn chế về thời gian, không gian phục vụ khách hàng, giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi, giảm giá và các chiến dịch quảng bá trên sàn TMĐT, nền tảng số cũng là cách thức thu hút người tiêu dùng hiệu quả. Chị Hoàng Thị Hằng (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, phường Tây Nha Trang) chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi cần mua sắm gì tôi đều phải đến cửa hàng chọn lựa, rất mất thời gian. Hiện nay, phần lớn đồ dùng trong gia đình tôi đều mua trực tuyến. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể tìm kiếm, so sánh giá cả và mua hàng ngay tại nhà, tiện lợi hơn rất nhiều”.
Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang được hỗ trợ livestream tại hội nghị về thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. |
Với sự tiện lợi cho người tiêu dùng, TMĐT đã mở rộng cơ hội bán hàng cho DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giúp sản phẩm của họ có thể vươn ra thị trường toàn quốc và cả nước ngoài. Trước đây, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang chủ yếu bán hàng qua kênh truyền thống, mỗi lần muốn mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố khác, công ty mất rất nhiều thời gian với đội ngũ nhân viên tìm kiếm địa điểm, chiến dịch marketing…khá tốn kém chi phí. Từ đầu năm 2024, công ty bắt đầu đưa hàng lên giới thiệu trên các sàn TMĐT. Từ đó, sản phẩm của công ty đã được khách hàng từ các tỉnh, thành phố biết đến nhiều hơn. Hiện nay, sản phẩm của công ty phủ rộng trên các sàn TMĐT như: Shopee; Tiki; Lazada; TikTok… Ông Trần Nhật Quang - nhân viên marketing, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “Ban đầu, công ty đưa sản phẩm lên sàn TMĐT chủ yếu để marketing, giới thiệu sản phẩm. Thế nhưng, sản phẩm được khách đặt nhiều nên công ty đăng ký với sàn để bán. Nhằm tăng tương tác với khách hàng, thỉnh thoảng, công ty tổ chức các cuộc livestream bán hàng, nhờ đó ngày càng thu hút khách”.
Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến năm 2022, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (Cụm Công nghiệp Thành Hải, phường Bảo An) phát triển và mở rộng thêm kênh bán sản phẩm trực tuyến trên các sàn TMĐT. Từ đó, công ty có lượng khách hàng lớn, thương hiệu sản phẩm lan tỏa đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay, công ty đã xây dựng được website: www.canhdongviet.cn và các kênh Shopee mall, TikTok shop. Qua nền tảng công nghệ đã hỗ trợ công ty giao dịch TMĐT, thanh toán trực tuyến an toàn; truyền thông tiếp thị trực tuyến, chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến với người tiêu dùng, góp phần đáp ứng được sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng, thúc đẩy tăng doanh thu cho DN. Đến nay, sản phẩm của công ty đã tiếp cận được hơn 87.600 khách hàng.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. |
Theo ông Trịnh Nguyễn Đoàn - Quản lý cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh (thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná), hiện nay, cơ sở có 3 sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống loại thượng hạng, đã được công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trước đây, việc tiếp cận thị trường của cơ sở gặp không ít khó khăn do dòng sản phẩm mới và có nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Gần đây, cùng với bán hàng qua kênh truyền thống, cơ sở đẩy mạnh bán các sản phẩm nước mắm trên các sàn TMĐT lớn, như: Lazada, Shopee và mạng xã hội Facebook, Zalo, cửa hàng OCOP... Nhờ đó, sản phẩm nước mắm Quang Minh được quảng bá rộng rãi, dần tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Hiện nay, cơ sở tiêu thụ được 6.000 - 10.000 lít/tháng, mang lại nguồn thu ổn định.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay, Khánh Hòa có gần 100 DN tham gia giới thiệu, bán hàng trên các sàn TMĐT. Qua đó, giúp DN tiếp cận với người tiêu dùng thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Còn những thách thức, hạn chế
Tuy TMĐT có tiềm năng lớn nhưng các DN trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc bán hàng trên các sàn TMĐT. Theo ông Trần Nhật Quang, không phủ nhận những lợi ích của sàn TMĐT đã mang lại cho các DN. Tuy nhiên, hiện nay, giữa sàn TMĐT và DN không có hợp đồng ràng buộc, không có quy định chế tài chặt chẽ nên DN luôn ở thế bị động trong các chính sách của sàn TMĐT đưa ra, dẫn đến các loại phí liên tục tăng. “Từ tháng 7-2025, các sàn TMĐT thu thêm 3.000 đồng/đơn hàng với tên gọi phí hạ tầng; 1.650 đồng/đơn hàng phí bao hoàn hàng. Như vậy, từ ngày 1-7, ngoài 20% các loại phí, DN còn gánh thêm 4.650 đồng/đơn hàng. Chúng tôi đã ý kiến với đại diện sàn TMĐT nhưng chỉ nhận được câu trả lời “đồng ý với chính sách của sàn thì đưa hàng lên bán, không thì thôi”. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm bảo vệ quyền lợi các DN khi đưa hàng lên sàn TMĐT” - ông Quang nói.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang. |
Bên cạnh đó, nhiều DN còn gặp khó khăn, hạn chế về việc xác định đâu là giải pháp công nghệ cần thiết, áp lực về chi phí đầu tư, thiếu nhân sự có chuyên môn về TMĐT, hiểu biết về tiếp thị trực tuyến và quản lý đơn hàng. Điều này dẫn đến việc tiếp cận TMĐT còn thụ động, thiếu chiến lược lâu dài. Ông Nguyễn Khắc Phòng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải) cho biết: “Tuy HTX đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Sau thời gian đăng ký, mở gian hàng trên các sàn TMĐT lớn, chúng tôi nhận thấy để bán được hàng thì việc thiết kế gian hàng, hình ảnh, chương trình và thông tin phải hấp dẫn mới thu hút được khách. Trong khi đó, hiện tại, HTX chưa có nhân sự chuyên phụ trách mảng công nghệ nên tôi phải tự tìm hiểu thao tác mọi công việc liên quan. Do đó, nhiều đơn hàng chưa được quản lý và cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận khách hàng và hiệu quả kinh doanh trên nền tảng số”.
Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… vẫn được rao bán tràn lan trên sàn TMĐT, các trang mạng xã hội; việc bảo mật thông tin cá nhân, dữ liệu giao dịch chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, cơ chế quản lý và kiểm soát hoạt động TMĐT còn chưa theo kịp thực tiễn phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này, khiến người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm khi mua sắm trực tuyến.
Để thương mại điện tử phát triển bền vững
Mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT - Miền Trung vươn xa cùng TMĐT”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong Chương trình phát triển TMĐT quốc gia, nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong khu vực miền Trung để cùng khai thác tiềm năng, nâng cao năng lực triển khai TMĐT và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh phân phối hiện đại. Theo đó, các HTX, DN vừa và nhỏ đang ứng dụng TMĐT được hỗ trợ xây dựng và vận hành gian hàng số, livestream bán hàng, phát triển nội dung thu hút khách hàng, tích hợp công cụ bán hàng trên nền tảng số, xử lý đơn hàng và quản trị hiệu quả hoạt động kinh doanh online; hỗ trợ xây dựng gian hàng xuất khẩu trên sàn TMĐT quốc tế; giới thiệu giải pháp thúc đẩy ứng dụng TMĐT xuyên biên giới...
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. |
Đặc biệt, tại buổi hướng dẫn các DN, hộ kinh doanh livestream trực tiếp, chương trình thu hút hơn 229.000 lượt người xem và hơn 199.000 lượt tương tác, 355 sản phẩm được bán ra. Một số DN sau sự kiện đã kết nối với các DN TMĐT để được hỗ trợ bán hàng qua livestream. Ngoài ra, Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục tổ chức lớp đào tạo trực tuyến hỗ trợ các DN nâng cao kỹ năng bán hàng qua livestream và tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới. Hiện nay, Cục TMĐT và Kinh tế số duy trì khoảng 100 tài khoản học trực tuyến của các DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và khu vực. Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, mới đây, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, trong đó nhấn mạnh định hướng tăng cường TMĐT theo vùng, thúc đẩy ứng dụng TMĐT xuyên biên giới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT tại địa phương. Kế hoạch cũng đề cập đến việc phối hợp giữa các địa phương trong xây dựng nền tảng dữ liệu, chuẩn hóa sản phẩm và định vị thương hiệu vùng trên các kênh phân phối điện tử.
Ông Trần Quốc Sanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Để TMĐT tiếp tục phát triển và phát huy được hiệu quả, thời gian tới, sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT, góp phần giúp DN, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh cập nhật, hiểu rõ hơn lợi ích và cách thức tham gia thị trường trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng, phát triển TMĐT; hỗ trợ kết nối với các sàn TMĐT lớn để kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương, thúc đẩy phát triển thương hiệu hàng hóa của tỉnh trên môi trường số; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động TMĐT, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục tham mưu rà soát, đề xuất triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho TMĐT phát triển bền vững".
CẨM VÂN - HỒNG NGUYỆT
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202507/thuc-day-phat-trien-thuong-mai-dien-tusoi-dong-tren-nen-tang-so-d512ae8/
Bình luận (0)