Chất dẫn truyền thần kinh là một phần quan trọng trong hệ thống thần kinh, chịu trách nhiệm cho việc truyền tải thông tin giữa các tế bào thần kinh. Hiểu rõ về những chất dẫn truyền này sẽ giúp bạn biết được cơ chế hoạt động của hệ thần kinh và nhận thức được vai trò của việc bảo vệ các chất này để đảm bảo ổn định sức khỏe tâm thần và thể chất.
1. Chất dẫn truyền thần kinh: vai trò và cách thức hoạt động
1.1. Cách thức hoạt động
Chất dẫn truyền thần kinh là các phân tử hóa học giúp truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh (nơron) hoặc giữa tế bào thần kinh và các cơ quan khác. Khi có tín hiệu điện truyền qua một nơron, chất dẫn truyền thần kinh sẽ được phóng thích từ đầu mút của nơron đó và kích hoạt các thụ thể trên bề mặt tế bào thần kinh hoặc cơ quan nhận.
Chất dẫn truyền thần kinh hoạt động qua một chuỗi quá trình phức tạp để truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Khi một xung điện (tín hiệu) đến đầu mút của một nơron sẽ kích thích sự phóng thích chất dẫn truyền thần kinh từ các túi chứa vào khoảng trống synapse. Chất dẫn truyền thần kinh sau đó đi qua khoảng cách này và gắn vào các thụ thể trên bề mặt của nơron tiếp theo.
Sau khi hoàn thành tác động, chất dẫn truyền thần kinh sẽ được thu hồi, phân hủy hoặc tái hấp thu, đảm bảo tín hiệu được ngắt và chuẩn bị cho các tín hiệu tiếp theo. Quá trình này cho phép truyền tải thông tin trong hệ thần kinh trở nên nhanh chóng và hiệu quả.
Chất dẫn truyền thần kinh giữ nhiệm vụ truyền tải thông tin não bộ, điều khiển hoạt động cơ thể
1.2. Vai trò
Chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều chỉnh nhiều chức năng cơ thể:
– Dopamine và serotonin: Là chất dẫn truyền điều khiển hành vi và cảm xúc của con người.
– Serotonin và GABA: Điều hòa, tăng chất lượng giấc ngủ và điều khiển chu kỳ thức – ngủ.
– Acetylcholine: Đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền tín hiệu giữa tế bào thần kinh và hệ cơ. Ngoài ra, đây cũng là chất dẫn truyền giúp hỗ trợ hoạt động trí nhớ và điều chỉnh cảm xúc.
– Glutamate và Acetylcholine: Hỗ trợ trí nhớ và khả năng học tập.
Nhờ chất dẫn truyền thần kinh mà tín hiệu thần kinh nhanh chóng được lan truyền trong hệ thần kinh trung ương và ngoại biên để đảm bảo sự diễn ra các hành vi và hoạt động sinh lý của con người.
2. Những chất dẫn truyền thần kinh phổ biến của não bộ
2.1. Acetylcholine (ACh)
Acetylcholine là một chất dẫn truyền thần kinh được phát hiện đầu tiên trong nghiên cứu về hệ thần kinh. Nó được tổng hợp từ axit axetic và choline.
Chất dẫn truyền thần kinh này truyền tín hiệu từ nơron đến cơ, kích thích cơ co lại. Ngoài ra, đây còn là chất dẫn truyền giúp củng cố các kết nối thần kinh liên quan đến trí nhớ.
Thiếu hụt Acetylcholine là nguyên nhân gây nên các bệnh lý như: Alzheimer, Parkinson, rối loạn thần kinh cơ,…
2.2. Dopamine
Dopamine là thuộc nhóm catecholamine. Chất dẫn truyền thần kinh này liên quan đến hệ thống phần thưởng, giúp tạo cảm giác vui vẻ và thỏa mãn khi đạt được mục tiêu. Ngoài ra, Dopamine còn kiểm soát các hoạt động vận động của cơ thể.
Sự thiếu hụt dopamine có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý và các vấn đề tâm thần khác như tâm thần phân liệt.
Nhóm chất dẫn truyền thần kinh thuộc nhóm hormone hạnh phúc
2.3. Serotonin
Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có nguồn gốc từ axit amin tryptophan. Serotonin giúp tạo cảm giác thoải mái và bình yên. Serotonin còn ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ và điều chỉnh cảm giác thèm ăn.
Thiếu hụt serotonin có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm thần khác. Sự mất cân bằng serotonin cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khả năng tiêu hóa.
2.4. Gamma-Aminobutyric Axit (GABA)
Gamma-Aminobutyric Axit là chất dẫn truyền thần kinh ức chế chủ yếu trong hệ thần kinh trung ương, giúp giảm hoạt động của các tế bào thần kinh. Nhờ chất dẫn truyền này mà hệ thần kinh được làm dịu, giảm lo âu và tạo ra cảm giác thư giãn. Ngoài ra, GABA cũng hỗ trợ giấc ngủ sâu và làm giảm tình trạng mất ngủ.
Sự thiếu hụt GABA có thể gây ra lo âu, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về tâm lý. Ngoài ra, rối loạn GABA cũng là nguyên nhân dẫn đến động kinh.
2.5. Glutamate
Glutamate truyền tải tín hiệu giữa các nơron thần kinh đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động của quá trình học tập. Đây là chất dẫn truyền có mặt trong quá trình hình thành và củng cố kết nối thần kinh.
Sự gia tăng glutamate trong não có thể dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh, gây ra các vấn đề như động kinh, đột quỵ và các rối loạn thần kinh khác.
3. Cách bảo vệ và cân bằng chất dẫn truyền thần kinh
Để ổn định sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, duy trì tốt sức khỏe não bộ, có thể thực hiện một số biện pháp như:
– Ăn uống cân bằng dinh dưỡng như protein, vitamin B6 và axit folic để đảm bảo sản xuất chất dẫn truyền thần kinh.
– Tập thể dục đều đặn để kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là dopamine và serotonin.
– Đảm bảo ngủ đủ, có giấc ngủ chất lượng sẽ giúp cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là chất dẫn truyền serotonin và Gamma-Aminobutyric Axit.
– Hạn chế căng thẳng để tránh gây mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, gây ra các vấn đề tâm lý.
– Tránh lạm dụng chất kích thích vì chúng có thể làm rối loạn sự cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.
Cân bằng dưỡng chất trong chế độ ăn giúp ổn định sản xuất chất dẫn truyền thần kinh
Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý tâm thần khó chữa, suy giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí có nguy hại đến tính mạng. Vì thế, đảm bảo cân bằng chất dẫn truyền thần kinh sẽ giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương để đảm bảo duy trì hoạt động sống.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt trước lịch khám nhanh chóng.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/tim-hieu-ve-chat-dan-truyen-than-kinh-va-cac-yeu-to-lien-quan